Đoàn Văn Vươn: Làm ầm lên tạo tiếng vang

Thứ hai, ngày 29/07/2013 19:01 PM (GMT+7)
“Tôi có nói với anh em trong nhà nếu bị cưỡng chế là mất trắng, cần chuyển vụ án dân sự hành chính sang hình sự, làm ầm lên tạo tiếng vang việc mới được giải quyết” – bị cáo Vươn khai nhận trước tòa hôm 29.7.
Bình luận 0

Bị cáo Vươn không thừa nhận hành vi giết người

Trong phần xét hỏi, HĐXX tiến hành xét hỏi từng bị cáo để làm rõ việc anh em Đoàn Văn Vươn tổ chức chống lại lực lượng cưỡng chế. Bị cáo Vươn khai, trong Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng ghi rõ sau 30 ngày không tự thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế.

Bị cáo này thừa nhận một mặt gửi đơn khiếu nại quyết định trên, một mặt chuẩn bị kế hoạch “gây tiếng vang”. “Tôi có nói với anh em trong nhà nếu bị cưỡng chế là mất trắng, cần chuyển vụ án dân sự hành chính sang hình sự, làm ầm lên tạo tiếng vang việc mới được giải quyết” – bị cáo Vươn khai.

Bị cáo Vươn tại tòa
Bị cáo Vươn tại tòa

Mặc dù thừa nhận là người đề xuất kế hoạch sử dụng vũ khí, kích nổ bình gas, tự mình chuẩn bị kíp mìn, mua thuốc nổ, dây điện, 10 tút đạn và 150 hạt nổ, tiếp đến là việc giao việc kích nổ mìn và súng hoa cải cho Quý để chống lại lực lượng cưỡng chế, nhưng bị cáo Vươn cho rằng đó không phải là hành vi giết người.

Bị cáo lý giải đó là cách bảo vệ tài sản trước việc cưỡng chế trái pháp luật. Bị cáo Vươn cho biết thêm, trong quá trình chuẩn bị chống lực lượng cưỡng chế có dặn bị cáo Quý đặt đặt mìn cách nhà khoảng 40m để tạo khoảng không nhất định an toàn cho lực lượng cưỡng chế và ngôi nhà.

Bị cáo còn dặn Quý không được dùng loại đạn to bắn thú mà chỉ được dùng loại đạn bắn chim. Theo kinh nghiệm của bị cáo đã sử dụng nhiều năm loại đạn bắn chim, bị cáo khẳng định nếu bắn trong khoảng 20m chỉ gây thương tích, ảnh hưởng sức khỏe chứ không thể giết người.

Với lập luận trên bị cáo Vươn cho rằng mình không phạm tội giết người như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Chỉ có mình bị cáo Quý trong căn nhà hai tầng

Khi được Tòa thẩm vấn, trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Đoàn Văn Quý, người trực tiếp chôn 2 gói mìn và nổ súng bắn vào lực lượng cưỡng chế khai nhận việc thực hiện không theo sự chỉ đạo của bị cáo Vươn.

Bị cáo Vươn có dặn bị cáo bắn ở khoảng cách 20 -30m. Khi thấy lực lượng cưỡng chế vào cách hàng rào khoảng 10m, bị cáo nổ súng bắn vào họ nhưng không biết có người bị thương. Sau khi bắn, bị cáo đốt áo tẩm xăng gây khói để trốn, sau đó ra đầu thú. Bị cáo khẳng định trong căn nhà hai tầng hôm đó chỉ có một mình bị cáo và bị cáo sử dụng cả hai khẩu súng. "Mỗi khẩu bắn một phát nhưng tại cơ quan điều tra khai 3 phát là do bị đánh"- bị cáo nói.

Còn bị cáo Đoàn Văn Sịnh khai, mắt kém, tai nghe không rõ, chỉ tham gia việc làm đơn, còn việc bàn kế hoạch chống lực lượng cưỡng chế chỉ được nghe và tham gia 1 lần. Đối với việc đưa 4,3 triệu đồng cho Quý đi mua súng, bị cáo Sịnh nói đó là tiền cho Quý mượn chứ không biết việc đi mua gì. Trước những câu trả lời của bị cáo Sịnh thấy không trùng khớp với lời khai tại CQĐT, HĐXX đã công bố các bút lục về lời khai trước đây của bị cáo này. Mặc dù vậy bị cáo Sịnh vẫn cho rằng bản án tuyên mình phạm tội giết người là oan.

Bị cáo Đoàn Văn Vệ một mực cho rằng mình không biết việc Quý nhờ mua súng để chống lại đoàn cưỡng chế. Sau khi nhận tiền nhưng không mua được súng, ngay sau đó bị cáo đã đem trả lại tiền. Một khoảng thời gian dài sau đó, cho đến ngày xảy ra vụ án, bị cáo không gặp gỡ, không trao đổi gì thêm với Đoàn Văn Quý.

Bị cáo Nguyễn Thị Thương (vợ bị cáo Vươn) và Phạm Thị Hiền (tức Báu- vợ bị cáo Quý) đều cho rằng mình không phạm tội chống người thi hành công vụ như bản án sơ thẩm đã tuyên. Để làm rõ nội dung, vì sao Đoàn cưỡng chế khi đi vào khu vực cưỡng chế buộc phải đi qua nhà Đoàn Văn Quý, các nhân chứng khai vì trên đường chính dẫn đến khu vực cưỡng chế đã bị đào một hố rộng và sâu, không đi được.

Tuy nhiên, bị cáo Phạm Thị Hiền bác bỏ lời khai này và khẳng định, trên tất cả các con đường dẫn vào toàn bộ diện tích 40,3ha đầm không hề có một cái hố nào cả.

Trả lời các câu hỏi của luật sư, cả hai bị cáo đều khai: 5 ngày bị tạm giữ ở cơ quan điều tra không có lệnh bắt tạm giam tạm giữ, mà cán bộ điều tra hướng dẫn các bị cáo viết đơn là "tự nguyện ở lại cơ quan công an để phục vụ điều tra".

Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc ở nội dung tranh tụng tại tòa.

Tại phần thủ tục phiên tòa, LS Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đề nghị Tòa triệu tập thêm ông Lê Văn Hiền- nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Nguyễn Văn Khanh- nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và 17 nhân chứng khác như bị cáo Vươn đã đề nghị. Vị LS này còn đề nghị nộp 2 băng ghi hình do Đài phát thanh truyền hình huyện Tiên Lãng thực hiện cảnh tiến hành cưỡng chế để đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên sau khi hội ý, HĐXX đã bác đề nghị trên.

Lương Kết - Vũ Thị Hải (Lương Kết - Vũ Thị Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem