Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm "nhờn" luật vì ít bị khởi tố, chưa có vụ nào bị xét xử

An Linh Thứ hai, ngày 27/05/2024 14:47 PM (GMT+7)
"Dù tình hình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra phức tạp nhưng số vụ được khởi tố còn ít, hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử", Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) nói.
Bình luận 0

Thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội hôm nay 27/5, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, cần cơ chế mạnh tay của Nhà nước đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc giám sát, công bố thông tin đối với những vụ việc chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cần hoãn xuất cảnh chủ sử dụng lao động chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho lao động

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) đề nghị, cần có các mức nộp số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không thể giống nhau như dự thảo đang quy định là đều là 0,03% trên/ngày.

Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm

Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

"Cần xác định và làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không? Nếu vi phạm thì có đồng nghĩa với việc đây là một biện pháp xử lý vi phạm hành chính hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 2 trong cùng điều luật", ông Sơn nhấn mạnh.

Vị này đề nghị, phân hóa các mức xử lý vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, do "tính chất, mức độ" vi phạm giữa chậm và trốn đóng là khác nhau.

"Nếu cần phải quy định cụ thể, để đảm bảo tính khả thi thì vấn đề này nên quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội hay quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với việc áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh theo pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam", ông Sơn đề nghị.

Tuy nhiên, theo ông Sơn: "Tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam không quy định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp nêu trên. Vì vậy, đề nghị xem xét vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính hiệu lực của các biện pháp, chế tài đã quy định".

Cũng về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 39, Điều 40.

Tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo thiết kế 2 điều quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm về trốn đóng.

Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ)

Tuy nhiên, ông Nam cho biết: "Nội dung, biện pháp xử lý của 2 điều này cơ bản giống nhau, riêng trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự".

Vì vậy, ông đề nghị, chỉnh lý Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản, khoản 1 là các biện pháp xử lý quy định tại Điều 39 của luật này, khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ông Nam cho rằng, về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động là cần thiết để phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Đây là một yêu cầu cấp bách, nhằm giải quyết những trường hợp đặc biệt, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội.

"Thực tiễn thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chưa đòi được, người lao động trong doanh nghiệp không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội", ông Nam nhấn mạnh.

Chưa khởi tố, đem ra xét xử tội chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo Đại biểu, mặc dù dự thảo luật lần này đã có những sửa đổi, nâng cao hiệu quả xử lý về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp dù xử phạt, khởi tố, thậm chí không thể xử lý được thì người lao động vẫn sẽ là người thiệt thòi nhất; trong khi họ không có lỗi.

Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Tương tự, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, vấn đề chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội hết sức nan giải.

Đại biểu Hòa đề nghị, đưa vào trách nhiệm của bảo hiểm xã hội phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở.

"3 tháng nhắc 1 lần đến những đối tượng này để kịp thời chấn chỉnh. Đợi 1 năm 2 năm sau mới phát hiện chuyện đã xảy ra thì không nên. Cần quan tâm vấn đề này cho tốt để đạt hiệu quả", ông nói.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), luật hiện hành chưa quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo chế tài hành chính, hình phạt hình sự.

Đại biểu Quốc hội: Doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai)

Bà Ý nêu, Bộ luật Hình sự đã quy định về tội gian lận, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định tại Điều 214, 215 và 216, Hội đồng Thẩm phán cũng đã có Nghị quyết số 05 hướng dẫn áp dụng 3 điều luật này.

Tuy nhiên, trên thực tế, do còn nhiều cách hiểu khác nhau, khó khăn trong việc xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố khác cấu thành tội phạm giữa các văn bản. Vì vậy, dù tình hình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra phức tạp, nhưng số vụ được khởi tố còn ít, hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem