Đua nhau làm
Thông tin từ Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, ngay từ đầu năm 2014, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có công văn gửi đến Sở NNPTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL yêu cầu mỗi địa phương cung cấp cho đơn vị này 1-2 địa điểm quy hoạch để họ thực hiện xây dựng vùng lúa nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Được biết, quyết định trên của VFA là một phần trong kế hoạch giúp doanh nghiệp hội viên xây dựng vùng nguyên liệu, tiến tới hoàn thiện và đáp ứng tiêu chí buộc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo phải có ít nhất 200ha vùng nguyên liệu (định hướng của VFA).
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh lương thực dù hiện còn khá khiêm tốn nhưng đã “manh nha” một cuộc đua giữa những đối thủ trong lẫn ngoài ngành. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở TP.Cần Thơ thừa nhận: “Ngoài tranh thủ đáp ứng tiêu chí buộc doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu như định hướng của VFA, việc đầu tư này của chúng tôi cũng không ngoài mục đích giúp tăng khả năng cạnh tranh trước áp lực đầu tư ngày càng lớn mạnh của một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật”.
Theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH Trung An (TP.Cần Thơ), do tình hình xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay đã thay đổi, không thể tiếp tục kinh doanh theo kiểu “ăn xổi, ở thì” được nữa- tức bỏ tiền ra mua gạo từ thương lái (trung gian) khi có hợp đồng bán gạo trong tay- nên gần đây Trung An đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình. “Trung An đang triển khai kế hoạch hợp tác, liên kết sản xuất cùng nông dân với diện tích 21.000ha. Thế nhưng, trước mắt chúng tôi chỉ mới làm được trên 3.000ha thôi”- ông Bình cho biết.
Đối với Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc của đơn vị này cho biết ngay từ vụ đông xuân 2013-2014, Thịnh Phát cũng đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với diện tích hơn 300ha.
Ngoài 2 đơn vị nêu trên, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ mà phóng viên có được, toàn vùng ĐBSCL hiện có hàng chục doanh nghiệp khác đang đua nhau liên kết đầu tư, xây dựng vùng lúa nguyên liệu với diện tích lên đến hàng chục ngàn ha.
Thu nhập sẽ thay đổi?
Ông Lâm Anh Tuấn cho hay, hiện ở ĐBSCL có 3 mô hình liên kết được áp dụng. Thứ nhất, doanh nghiệp đầu tư từ A-Z (giống, phân thuốc, kỹ thuật, phơi sấy, lưu kho…) rồi thu mua sản phẩm cho nông dân như mô hình Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đang thực hiện; thứ hai, chỉ đầu tư giống, phân, thuốc (không hỗ trợ phần kỹ thuật, phơi sấy, lưu kho…) rồi bao tiêu sản phẩm cho nông dân; thứ ba là doanh nghiệp không đầu tư gì hết nhưng sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân với một mức giá nào đó.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu được doanh nghiệp kinh doanh lương thực áp dụng phổ biến là mô hình thứ ba (không đầu tư, chỉ bao tiêu sản phẩm) bởi cái khó hiện nay của những đơn vị này là do chỉ thuần túy kinh doanh xuất khẩu gạo, cho nên nếu làm như kiểu của AGPPS sẽ không xuể vì thiếu nghiệp vụ kỹ thuật, thiếu đội ngũ lĩnh vực khuyến nông, thiếu vốn…
“Theo tôi, mô hình cần khuyến khích lớn nhất hiện nay đó là chỉ nên đặt vấn đề liên kết để bao tiêu sản phẩm thôi, tức là mình sẽ thống nhất một mức giá nào đó để đảm bảo hiệu quả cho bà con nông dân. Ví dụ, hiện nay tôi có ký hợp đồng liên kết với bà con nông dân theo kiểu đưa ra một mức giá sàn, mức giá này được tính dựa trên giá thành do Bộ Tài chính công bố cộng thêm mức lợi nhuận tối thiểu 30%. Trường hợp giá thị trường cao hơn giá sàn, bà con nông dân muốn bán cho ai thì bán, nhưng trường hợp giá thị trường rớt xuống thấp thì doanh nghiệp sẽ đảm bảo tiêu thụ cho bà con với mức giá sàn đã ký” - ông Tuấn cho biết.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở TP.Cần Thơ thừa nhận: “Việc đầu tư này của chúng tôi cũng không ngoài mục đích giúp tăng khả năng cạnh tranh trước áp lực đầu tư ngày càng lớn mạnh của một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật”.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về vấn đề nêu trên, một chuyên gia ngành nông nghiệp ở ĐBSCL (xin không nêu tên) cho biết bao tiêu với mức giá như ông Tuấn nói thì cũng giống như chương trình mua tạm trữ lúa gạo được Chính phủ giao VFA điều hành triển khai thực hiện như những năm qua, tức là cũng lấy giá thành sản xuất bình quân của ĐBSCL được Bộ Tài chính công bố rồi cộng thêm mức lãi tối thiểu 30%.
“Vậy nông dân có thực sự được chia sẻ chưa? Thu nhập, lợi nhuận từ cây lúa mà nông dân thu được có thực sự được đổi mới từ đây hay không?” - vị chuyên gia đặt vấn đề. Theo ông, điều đó chắc chắn là không, bởi thực tế trong những năm qua, chương trình tạm trữ của Chính phủ chỉ phần nào làm giảm bớt áp lực khiến giá lúa giảm sâu thôi, chứ chưa thể đem lại sự đổi mới về thu nhập cho người nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.