Doanh nghiệp nào trả cổ tức “khủng” mùa đại hội cổ đông?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 13/04/2017 13:45 PM (GMT+7)
Mùa đại hội cổ đông năm 2017, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chi ra hàng nghìn tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ “khủng” lên tới hơn 100%, trong khi đó cũng có nhiều doanh nghiệp dù “ăn nên làm ra” nhưng vẫn nói không với cổ tức khiến cổ đông không khỏi ngậm ngùi...
Bình luận 0

img

Cổ đông cũng “tức” vì... cổ tức

Thực tế, đối với những DN có kết quả kinh doanh tốt, lãi cao thì việc chia cổ tức “khủng” có thể sẽ khiến cổ phiếu tăng giá, đây cũng chính là cơ hội để nhà đầu tư giao dịch kiếm lời.

“Choáng” với mức cổ tức khủng

Nổi bật nhất trong mùa đại hội cổ đông năm nay là mức cổ tức “khủng” của Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (mã NCT). Theo dự kiến mà ban lãnh đạo công ty đưa ra, cổ tức năm 2016 của doanh nghiệp này sẽ lên tới 106% (trong đó 40% đã tạm ứng cho cổ đông từ tháng 10.2016). Hiện NCT đang giao dịch với mức P/E là 8,37 lần, thấp hơn trung bình ngành và trung bình thị trường khá nhiều (khoảng 16 lần). Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) của NCT đạt trên 10.320 đồng/CP.

Một cái tên khác thuộc ngành hàng không cũng có mức cổ tức “khủng” là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (mã MAS). Năm 2016, nhờ kế hoạch kinh doanh khá tốt, MAS quyết định chia cổ tức là 80% bằng tiền mặt cho cổ đông (năm 2015 cổ tức của MAS lên tới 120%). Hiện, EPS của MAS lên đến 14.840 đồng/CP.

Còn với Vietjet Air (mã VJC) thì hãng hàng không này dự khiến sẽ chi 10% cổ tức tiền mặt và 40% cổ phiếu thưởng.

Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, mức chia cổ tức của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM) cũng luôn mang đến bất ngờ cho cổ đông. Năm 2016, VNM sẽ chi trên 7.200 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến 60%, trong đó 20% là trả cho đợt 2 năm 2015 và 40% cho đợt 1 năm 2016.

Cũng nổi trội không kém là mức cổ tức của Masan Consumer (mã MCH). Năm 2016, MCH đạt doanh thu 13.790 tỷ đồng, tăng 4,4%; lợi nhuận thuần đạt 2.791 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,8% so với năm 2015. Dù vậy, MCH cũng dành khoảng 2.578 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, công ty đã chi trả năm 2016 là 237,6 tỷ đồng, 45% cổ tức bằng tiền còn lại (khoảng 2.340,7 tỷ đồng) dự kiến sẽ được chi trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết Đại hội Đồng cổ đông.

Đặc biệt, mùa đại hội năm nay, cổ đông của CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) không khỏi vui mừng khi DHG công bố dự kiến trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 35% bằng tiền mặt. Cùng với đó, DHG dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50%. Những nội dung này sẽ được đem ra lấy ý kiến cổ đông tại Đại hội và nếu được thông qua, đây sẽ là mức cổ tức, cổ phiếu thưởng cao nhất mà cổ đông DHG sẽ được nhận từ khi DHG niêm yết đến nay.

Cổ đông cũng “tức” vì... cổ tức

Nếu như cổ đông các ngành hàng tiêu dùng, bất động sản, dược... đang vui mừng vì cổ tức “khủng” trong năm 2016 thì với cổ đông nhiều ngân hàng, việc chia cổ tức lại khá xa xăm dù nhiều nhà băng báo lãi lớn trong năm 2016.

Tại Techcombank, năm 2016 nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế gần 4.000 tỷ đồng (tăng 96,2%); tổng huy động vốn đạt 173.400 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tới cuối 2016 là 159.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tờ trình Đại hội cổ đồng diễn ra sắp tới (ngày 17.4) về việc trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016, lãi sau thuế và trích các quỹ (dự phòng tài chính, phúc lợi...) còn gần 2.655 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính cả phần lãi lũy kế tại công ty con, lợi nhuận năm 2016 của Techcombank có thể phân phối đạt gần 4.520 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT Techcombank vẫn đề xuất không chia cổ tức 2016, mà để dành phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 6 liên tiếp ngân hàng không chia cổ tức.

Ngoài Techcombank thì Eximbank và Sacombank cũng dự kiến tiếp tục không chia cổ tức. Phía Sacombank thì lỗi hẹn do gánh nặng nợ xấu từ Ngân hàng Phương Nam chuyển qua, khiến chi cổ tức là điều vượt quá khả năng.

Còn tại Eximbank, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Ngân hàng này cho biết, quan điểm của HĐQT và Ban điều hành Eximbank là phải trích lập dự phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn. Được biết, kết thúc năm 2016, lợi nhuận trước thuế và trước dự phòng rủi ro của Eximbank ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, song do dự phòng cả năm lên đến nghìn tỷ đồng để kéo giảm nợ xấu về dưới 3% nên lợi nhuận còn lại (sau trích lập) chỉ đạt hơn 300 tỷ đồng trước thuế...

Lộ diện ngân hàng chia cổ tức “khủng”

Năm 2016, HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB) trình đại hội đồng cổ đông duyệt kế hoạch chi trả cổ tức và cổ thưởng cho cổ đông hiện hữu tối đa 44,6% vốn điều lệ. Trong đó, phương án 1 là VIB dự kiến chia cổ tức tiền mặt 5% (tuỳ thuộc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước) và cổ phiếu thưởng 39,6% (bao gồm từ lợi nhuận lũy kế 3,5%, tăng vốn từ quỹ thặng dư 20,5%, quỹ bổ sung vốn điều lệ 15,6%).

Phương án 2 được trình Đại hội cổ đông lựa chọn là không chia cổ tức bằng tiền mặt và tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng lên 44,6% (bao gồm từ lợi nhuận lũy kế 8,5%, tăng vốn từ quỹ thặng dư 20,5%, quỹ bổ sung vốn điều lệ 15,6%).

Ngoài ra, HĐQT ngân hàng cũng trình ĐHCĐ kế hoạch chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên 0,4% trên vốn điều lệ, tương đương gần 23 tỷ đồng.

Được biết, VIB là ngân hàng có mức cổ tức khủng nhiều năm nay trong khối các tổ chức tín dụng với mức 23% năm 2014 và 25% năm 2015. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem