“Doanh nghiệp phải biết mình biết người!”

Thứ sáu, ngày 26/04/2013 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điểm yếu nhất của các doanh nghiệp VN khi làm ăn với Mỹ là "chưa biết mình biết người!"...
Bình luận 0
img
 

Trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điểm yếu nhất của các doanh nghiệp (DN) VN khi làm ăn với Mỹ là "chưa biết mình biết người!", trong khi đây là thị trường lớn nhất đem lại cơ hội để các DN mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu (XK).

Sau hơn 10 năm ký hiệp định thương mại và bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, bà đánh giá như thế nào về quan hệ buôn bán làm ăn giữa VN và Mỹ?

- Chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ đã trở thành thị trường XK lớn nhất của VN. Tăng trưởng XK của VN sang Mỹ cũng lớn nhất so với tất cả các thị trường XK của VN hiện nay. Mỹ đang chiếm tới trên 20% tổng kim ngạch XK của VN. Rồi nhiều ngành hàng quan trọng của VN như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, nông sản... đã chiếm lĩnh được thị trường này.

Có thể nói, so với các thị trường lớn và truyền thống khác như Trung Quốc, Nhật Bản, EU và cả khối ASEAN cộng lại thì thị trường Mỹ đã nổi trội và có lợi thế hơn hẳn đối với hàng hóa XK của VN. Mỹ cũng là đối tác đầu tư rất lớn vào VN, nếu tính cả đầu tư của Mỹ vào VN qua nước thứ 3 thì Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN.

Nói đến thị trường Mỹ, nhiều DN VN đã nghĩ ngay đến các vụ kiện, rào cản thương mại đầy khó khăn, nghĩ như vậy có đúng không, thưa bà?

- Tôi cho rằng, nghĩ như vậy là chưa chuẩn. Nếu so với các vụ kiện thương mại nói chung mà VN vướng phải thì các vụ kiện, rào cản từ thị trường Mỹ với DN VN là không nhiều so với kim ngạch buôn bán giữa VN với Mỹ dự kiến sẽ lên tới 27 tỷ USD trong năm nay (năm 2013, Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) đã dự báo buôn bán VN-Mỹ sẽ đạt 27 tỷ USD; trong đó, kim ngạch XK của VN đạt 22,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của VN chỉ hơn 5 tỷ USD).

Đã đến lúc các DN VN nên nhìn nhận các vụ kiện thương mại tại Mỹ là bình thường trong buôn bán làm ăn để có cách thức dễ dàng vượt qua các rào cản này. Tại sao không ít DN VN đã biết cách làm ăn minh bạch để tránh các vụ kiện tại Mỹ, thì nhiều DN lại coi rào cản từ Mỹ là khó khăn trong làm ăn với họ?!

Nhìn lại từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) có hiệu lực (vào ngày 10.12.2001), Mỹ đã ngay lập tức mở rộng Quy chế quan hệ thương mại bình thường/Quy chế tối huệ quốc (NTR/MFN) cho VN, cắt giảm mức thuế quan trung bình của mình đối với hàng nhập khẩu VN từ 40% xuống còn 4%, mở cửa thị trường rộng nhất và dễ tiếp cận nhất thế giới cho các DN XK và hàng hóa VN, nhất là với các mặt hàng nông sản, thực phẩm...

Điều này cho thấy rõ Mỹ là thị trường "mở" cho VN chứ không phải một thị trường đầy chông gai, còn tận dụng được cơ hội hay không lại ở phía chúng ta.

img
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cá tra Việt  Nam có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường tại Mỹ.

Vậy DN phải hiểu như thế nào về thị trường Mỹ để tránh những quan niệm không đúng và tận dụng được cơ hội từ thị trường này, thưa bà?

- DN trong nước nên xóa bỏ tính thụ động để phát huy hết tiềm năng XK. DN nên có niềm tin vào hàng hóa, sản phẩm của mình đảm bảo chất lượng, yêu cầu của thị trường để có thể xuất sang Mỹ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, các DN VN XK vào thị trường Mỹ cần lưu ý về giá hàng, phải làm sao cho giá hàng của DN vào Mỹ không quá thấp, để phía Mỹ có cớ kiện phá giá. Hai là không tăng đột biến về khối lượng XK hàng sang Mỹ.

Đây là hai yếu tố để phía Mỹ vin vào kiện các DN của VN. Mỹ là thị trường có nhiều đạo luật, quy tắc mà các nước XK phải thực thi một cách nghiêm túc. Các DN XK VN sang Mỹ phải tuân thủ những điều kiện này, có như vậy mới XK được mạnh hàng hóa vào thị trường Mỹ. Tôi cho đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi nhiều quan niệm và cách làm ăn với Mỹ.

Phòng thương mại Mỹ tại VN (AmCham Vietnam) vừa đưa ra bản đánh giá về quan hệ thương mại Việt - Mỹ. AmCham dự báo, năm 2013, thương mại song phương Việt-Mỹ có thể đạt con số hơn 27 tỷ USD (năm 2012, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã đạt 24,6 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của VN đạt 22,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của VN chỉ hơn 5 tỷ USD.

Cụ thể, phải thay đổi như thế nào, thưa bà?

- Phải thay đổi từ các chính sách vĩ mô của VN. VN cần có các chính sách thúc đẩy sản xuất đi vào chiều sâu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đi sâu vào chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng. Cách thức XK của VN cũng phải thay đổi.

Nếu chúng ta cứ "gồng mình" lên thì XK sang Mỹ cũng chỉ tăng hơn 20% là "hết hơi" rồi, trong khi XK lại đang rơi vào hơn 60% DN nước ngoài. Đây là vấn đề của cả nền kinh tế VN, cần sớm thay đổi.

Về phía các DN cũng phải hiểu kỹ thị trường này, vì Mỹ là đất nước rộng mênh mông, có "tự biết mình biết người" thì DN mới có thể thành công. DN phải biết mình đang cạnh tranh với ai, như thế nào, quy mô hàng hóa của mình ra sao nếu muốn vào Mỹ, điều này, từng DN, ngành hàng phải tự tính toán.

Tôi chỉ ví dụ, ngành dệt may đã thành công trong việc nghiên cứu thị trường này, để các bước đi hợp lý, bởi dệt may VN không thể cạnh tranh được với Ý về hàng cao cấp, cũng không thể cạnh tranh với Trung Quốc về hàng thấp cấp, nên đã chọn các sản phẩm tinh xảo để xuất thành công vào Mỹ.

Hay ngành thủy sản cũng vậy, nhiều DN đã không còn bị Mỹ đưa vào danh sách bị kiện. Tôi cho rằng, nếu DN VN nào muốn "đi lẻ", bán hàng phá giá vào Mỹ thì chỉ tự hại mình, hại ngành mình. Thị trường Mỹ đòi hỏi phải có chiến lược chung, có hợp tác, có hiệp hội gắn kết-đây là điều VN rất yếu.

VN hiện đang xuất siêu sang Mỹ nhưng họ vẫn "để yên" cho chúng ta XK, như thế là quá tích cực. Chúng ta cần khắc phục các điểm yếu để khai thác tối đa lợi ích của thị trường này.

Xin cảm ơn bà!

Ông Đỗ Kim Lang - cục Phó Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương: Thiếu tiếp cận toàn diện

Từ khi VN và Mỹ bình thường hóa quan hệ và nhất là sau khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển rất nhanh cả về quy mô, tốc độ. Tuy nhiên, bên cạnh thành công đã bộc lộ những hạn chế nhất định, trong đó có nguyên nhân do các DN VN chưa tiếp cận toàn diện, chưa hiểu biết cặn kẽ những quy định an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như các thủ tục vào thị trường này. Vì vậy, để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Mỹ các mặt hàng nói trên, các DN XK cần nhanh chóng khắc phục những điểm yếu trên...

Ông Đào Trần Nhân - Tham tán công sứ tại Mỹ: Vẫn còn nhiều cơ hội cho nông sản

Nhu cầu tiêu thụ nông sản ở Mỹ rất lớn, lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Mỹ phải nhập 50% các mặt hàng hoa quả tươi, 80% hàng thủy sản... Các mặt hàng trái cây nhiệt đới như thanh long, bơ, xoài, ổi, chôm chôm... của VN đang ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ. Nhiều nông sản của VN có thể nói có chất lượng ngon nhất, đủ điều kiện để vận chuyển xa, đặc biệt là thị trường Mỹ. VN vừa có thể XK vừa làm gia công cho các đối tác để XK nông sản sang Mỹ.

Ông Phan Quốc Nam - Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên: Sẽ cải thiện mẫu mã, chất lượng hàng hóa

Công ty Long Uyên đang XK mạnh các mặt hàng trái cây như xoài, mãng cầu, chôm chôm đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi còn XK các loại nông sản như khoai mì, khoai môn, chuối, dừa khô, dừa tươi... sang thị trường châu Âu, Mỹ. Năm nào chúng tôi cũng chuẩn bị hàng trăm tấn quả để đáp ứng nhu cầu này. Năm 2012, kim ngạch XK trái cây của Long Uyên đã đạt khoảng 1 triệu USD. Chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện mẫu mã, chất lượng hàng hóa để thâm nhập sâu thị trường này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem