Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Hiệp Đức cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 33 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký thành lập.
Trong đó, huyện có 28 hợp tác xã đang hoạt động với các ngành nghề đa lĩnh vực nhưng ngành nghề hoạt động chính vẫn là nông nghiệp như: trồng cây công nghiệp, cung cấp giống cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả...
Huyện có 5 hợp tác xã ngừng hoạt động (Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Sơn, Hợp tác xã Nông trại xanh Thăng Phước, Hợp tác xã Cao su và nuôi trồng Quyết Thắng, Hợp tác xã Nông lâm Thịnh Phát, Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ Thăng Phước).
Tiêu biểu như mô hình liên kết trồng rừng tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận; liên kết trồng nấm tại Hợp tác xã Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây; liên kết nuôi chim cút lấy trứng tại Hợp tác xã Nông nghiệp Hòn Kẽm; liên kết trồng lúa thương phẩm tại Hợp tác xã Nông nghiệp An Sơn; liên kết nuôi gà lấy trứng tại Hợp tác xã Nông nghiệp Organic Green Nguyên Hưng.
Từ hiệu quả kinh tế cao của các mô hình liên kết đã giúp thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho thành viên và hộ gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Đức.
Phát huy vai trò "bà đỡ", Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận là một trong những hợp tác xã tiêu biểu của huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.
Đặc biệt, địa phương có 3 hợp tác xã có sản phẩm được gắn 3 sao OCOP, gồm: sản phẩm Trà xanh Mỹ Thạnh của Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Thọ; sản phẩm Nấm bào ngư sấy và Trà linh chi túi lọc thuộc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây; sản phẩm Thịt gà đồi Nguyên Hưng thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Organic Green Nguyên Hưng.
Ông Nguyễn Hữu Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận cho biết: Xã Hiệp Thuận có diện tích đa phần là đồi núi, toàn xã có khoảng 1.600ha rừng sản xuất.
Đây là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển kinh tế rừng. Nhiều năm qua, trồng rừng là nghề mang lại thu nhập chính cho bà con nơi đây.
Tuy nhiên, giá cả thị trường gỗ trồng vô cùng bấp bênh nên việc tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận được thành lập với mong muốn giúp cho người dân trong xã và các xã lân cận có được đầu ra ổn định, từ đó yên tâm sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là từ mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Theo ông Dương, rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với rừng gỗ mà bà con chỉ để từ 4 đến 5 năm là thu hoạch như cách bà con vẫn làm. Thông thường, mỗi ha rừng gỗ có độ tuổi từ 4 – 5 năm, người dân chỉ thu được từ 50 – 60 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc giá cả có khi hạ xuống thấp.
Còn rừng gỗ lớn có tuổi đời từ 7 đến 8 năm, người trồng sẽ thu được trên dưới 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, gỗ từ rừng gỗ lớn đang ngày càng được thị trường ưa chuộng, không lo về giá cả và đầu ra.
Kế thừa diện tích rừng gỗ lớn ở địa phương với gần 850ha mà dự án WB3 đã tài trợ vào năm 2006, ông Dương cùng các thành viên trong hợp tác xã đã đầu tư 3,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc chế cưa xẻ gỗ thành các sản phẩm thô ban đầu để xuất ra thị trường. Năm đầu tiên thành lập, Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận thu mua được 800 tấn gỗ chủ yếu là keo lai loại có đường kính từ 15cm trở lên.
Lựa chọn đúng hướng đi đã giúp cho Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận ngày càng phát triển. Từ số tiền lãi thu được, Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận tiếp tục đầu tư thêm các loại máy móc cần thiết, nâng cao năng suất lao động. Từ 800 tấn gỗ/năm thu mua ban đầu thì đến nay, mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận thu mua của bà con đến hơn 3.000 tấn để sơ chế và xuất ra thị trường.
"Hiện hợp tác xã liên kết với 249 hộ/1397,9 ha rừng trồng có chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn hai xã Hiệp Thuận và Hiệp Hoà, bên cạnh đó hợp tác xã còn liên kết và thu mua gỗ lớn nguyên liệu các xã lân cận trên địa bàn huyện Hiệp Đức và huyện Phước Sơn phục vụ cho việc sơ chế gỗ cây thành gỗ miếng, cung cấp cho các nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh công nghiệp.
Ngoài hoạt động hiệu quả, Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động thường xuyên với mức lương thấp nhất là 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của hợp tác xã khoảng 10 tỷ đồng...", ông Dương chia sẻ.
Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song thực tế, nhiều hợp tác xã vẫn còn khó khăn khi quy mô, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận còn thấp; sự liên kết giữa hợp tác xã với hộ thành viên thiếu bền chặt, chưa có bước đột phá nổi bật. Các sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong huyện, nhiều sản phẩm chưa có nhãn hiệu, quyền bảo hộ, một số chưa đóng gói bao bì, chất lượng không đồng đều, số lượng nhỏ, không ổn định.
Vì vậy, đầu ra của sản phẩm chưa được ổn định lâu dài, khó tiếp cận với thị trường và chưa tạo được những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lớn, mang tính bền vững. Thêm vào đó, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chưa được quan tâm, năng lực điều hành còn thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp.
"Hợp tác xã nông nghiệp giữ vai trò nòng cốt, là "bà đỡ" trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Chính vì vậy, sắp tới, huyện Hiệp Đức sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể; tập trung củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả...", ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Hiệp Đức cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.