Doanh nghiệp thủy sản giãi bày: "Nhiều văn bản ngày càng siết kiểm soát, nguyên liệu xuất khẩu kẹt trong nút cổ chai"
Doanh nghiệp thủy sản giãi bày: "Nhiều văn bản ngày càng siết kiểm soát, nguyên liệu xuất khẩu kẹt trong nút cổ chai"
Minh Ngọc
Thứ ba, ngày 11/06/2024 09:29 AM (GMT+7)
Nguồn nguyên liệu để xuất khẩu càng ngày càng kẹt trong “nút cổ chai” khi mà các văn bản của các cơ quan quản lý đang ngày càng siết chặt kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước cũng như nguyên liệu nhập khẩu, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Bình Định cho biết, ngày 10/6.
Chia sẻ tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2024, ngày 10/6, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%. Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất 84%, cá ngừ cũng tăng 22%, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.
Trong top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có thị trường Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ 5 tháng đầu năm đạt 605 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Top 3 mặt hàng chiếm tỷ trọng chi phối là tôm, cá ngừ, cá tra. Các mặt hàng có tăng trưởng và có xu hướng khả quan trong thời gian tới gồm: cá tra 18%, cá ngừ 29%, cua 36%, nhuyễn thể có vỏ 27%.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) 5 tháng đầu năm 2024 đạt 580 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, riêng doanh số sang thị trường Trung Quốc là 503 triệu USD, tăng 8%. Tôm và cá tra là mặt hàng chủ lực sang thị trường Trung Quốc, chiếm lần lượt 42% và 35%. Xuất khẩu cá tra giảm sâu 44% (chủ yếu giảm phân khúc cá phi le, trong khi cá nguyên con và bong bóng cá tra vẫn tăng). Trong khi đó, xuất khẩu tôm tăng 40% nhờ tăng mạnh tôm hùm và tôm chân trắng.
Xuất khẩu các sản phẩm cá biển sang thị trường Trung Quốc giảm gần 40%. Bù lại xuất khẩu cua sang thị trường này bứt phá gấp 7 lần cũng nhờ tăng mạnh cua sống phục vụ cho phân khúc dịch vụ, nhà hàng, khách sạn của thị trường này.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 582 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 380 triệu USD, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc đạt gần 300 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023.
"Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024", ông Hòe cho hay.
Trong khi đó, việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập. Tuy vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguồn nguyên liệu kẹt trong "nút cổ chai"
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Tài, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản Tài Kim Anh phân tích, những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 do lượng tồn kho đã giảm. Tuy nhiên, ở các thị trường lớn như Mỹ, EU... lạm phát vẫn cao khiến người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, do ảnh hưởng xung đột ở nhiều khu vực khiến cước vận chuyển đường biển tăng vọt gây thêm áp lực lên giá thành.
Ngay cả thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chịu sức ép lạm phát, tiêu thụ chậm, kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng đầu năm giảm lần lượt 4% và 10%. Thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cao khi tăng 41% nhưng từ nay đến cuối năm sẽ chịu cạnh tranh mạnh từ tôm Ấn Độ và Ecuado và Indonesia.
Còn bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Bình Định cho biết, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản khai thác đã rất khó khăn về nguồn nguyên liệu, năm nay nguy cơ thiếu nguyên liệu càng lớn vì thời tiết nắng nóng, sản lượng khai thác giảm.
Nguồn nguyên liệu để xuất khẩu càng ngày càng kẹt trong “nút cổ chai” khi mà các văn bản của các cơ quan quản lý đang ngày càng siết chặt kiểm soát đối với nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước cũng như nguyên liệu nhập khẩu. Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC), trong đó có lý do nhiều cảng cá và tàu cá không có chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận hết hạn… trong khi doanh nghiệp không có nguồn thông tin nào để kiểm định được sự hợp pháp của các tàu cá, cảng cá về vấn đề an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024. Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường; trong đó cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Ngành thuỷ sản phải xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Song song đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng phải cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.