Doanh nghiệp Việt cần làm gì để đối phó với các vụ "kiện chống lẩn tránh thuế" đang gia tăng?

An Linh Thứ ba, ngày 19/12/2023 19:03 PM (GMT+7)
Các vụ việc chống bán phá giá, trợ cấp "xưa rồi", nay các vụ "kiện chống lẩn tránh xuất xứ", "kiện chống lẩn tránh thuế" ngày càng gia tăng và phạm vi, mức độ vượt giới hạn quốc gia, trở thành vấn đề đe doạ nhiều ngành, lĩnh vực.
Bình luận 0

Tại Tọa đàm "Các giải pháp hạn chế điều tra Phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam" bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng phòng, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng thời gian gần đây các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) có xu hướng khá rõ, tôi xin chỉ ra một số xu hướng. Các vụ việc PVTM trước đây chủ yếu tập trung vào chống phá giá, chống trợ cấp tự vệ, nhưng gần đây việc điều tra chống lẩn tránh thuế ngày càng nhiều hơn và Hoa Kỳ là nước điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ, chống lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để đối phó với các vụ "kiện chống lẩn tránh thuế" đang gia tăng? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó trưởng phòng, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương

Theo các chuyên gia về PVTM, việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng của nước nhập khẩu thứ 2 chỉ được khởi xướng khi nguyên đơn nhận thấy những bất thường về hàng xuất khẩu vào nước họ có cùng chủng loại, kích cỡ và xuất xứ tương tự với doanh nghiệp, đối tác nhập khẩu đã bị họ điều tra, kết luận và áp đặt thuế lớn ở các vụ kiện về chống bán phá giá, trợ cấp… 

Do các yếu tố xuất xứ, nên hàng xuất khẩu này chịu thuế cao, giá cao, không có khả năng cạnh tranh vào thị trường nhập khẩu, họ sẽ tìm cách dịch chuyển một phần nguyên, phụ liệu hoặc toàn bộ sản phẩm sang nước thứ 3, nơi có mức thuế rẻ để hưởng giá trị thặng dư khi xuất trở lại với thị trường nhập khẩu chính. Từ đây phát sinh điều tra lẩn tránh xuất xứ, lẩn tránh thuế.

Theo các chuyên gia về PVTM, các vụ kiện PVTM xuất hiện nhiều khi nổ ra thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa một số ngành, lĩnh vực của Mỹ - Nhật Bản, Ấn Độ với một số nước Bangladesh, Trung Quốc, EU với một số nước xuất khẩu dệt may trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là bên được xác định là liên quan.

Việc điều tra lẩn tránh thuế đối với phôi thép, xe đạp, với một số sản phẩm thuỷ sản của Mỹ đối với Trung Quốc và Việt Nam đã khiến ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam.

Theo thống kê của Cục PVTM, Bộ Công Thương năm 2021, lần đầu tiên mật ong của Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá do Hoa Kỳ tiến hành, mặc dù sản phẩm này bị điều tra năm 2021 và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có kết luận cuối năm 2021 và đến giữa năm 2022 DOC áp thuế chính thức với mật ong, thuế sơ bộ là 400%, kết luận cuối cùng đã giảm còn 60%.

Bà Nga cho biết, hiện Việt Nam đã đối diện với hơn 11 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế, đây là xu hướng mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý bởi điều tra chống lẩn tránh thuế, về quy trình điều tra khác biệt khá nhiều so với cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp thông thường.

Đặc biệt, trước đây chủ yếu là Hoa Kỳ, EU và các nước đang phát triển tiến hành điều tra chống lẩn tranh xuất xứ, nhưng gần đây, các nước đang phát triển, có FTA với Việt Nam điều tra ngày càng nhiều hơn.

Theo chuyên gia về phòng vệ thương mại của Trung tâm WTO, thuộc VCCI, nếu phía nguyên đơn phát hiện hàng hoá gian lận xuất xứ được nhập khẩu vào Việt Nam, xuất sang Mỹ nhằm né thuế, chắc chắc doanh nghiệp đó, chủng loại hàng nhập khẩu đó sẽ bị đánh với mức thuế tương tự. Đây là phí tổn cực kỳ lớn đối với một ngành hàng, lĩnh vực. 

"Thường các nước sẽ điều tra áp đặt với các doanh nghiệp vi phạm và khi có kết luận sơ bộ, sẽ áp dụng mức thuế. Đến khi có kết luận cuối cùng, sẽ chinh thức đánh thuế đối với doanh nghiệp đó, sản phẩm đó. Nhưng trong trường hợp, doanh nghiệp không cải thiện, vẫn gia tăng hoạt động gian lận xuất xứ, lẩn tranh thuế. Chính phủ, ngành hàng, doanh nghiệp không loại trừ vấn đề này, nguyên đơn hoàn toàn có cơ sở để điều tra mở rộng sang các doanh nghiệp khác làm ăn chân chính, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn ngành", vị chuyên gia của VCCI cho hay.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để đối phó với các vụ "kiện chống lẩn tránh thuế" đang gia tăng? - Ảnh 2.

Gỗ ván ép của Việt Nam có thể gặp phải rủi ro về kiện chống lẩn tránh thuế của Mỹ (Ảnh: Bộ Công Thương).

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cảnh báo, nếu sản phẩm, ngành hàng nào bị phát hiện có yếu tố lẩn tranh thuế, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) hoặc hiệp hội, doanh nghiệp của Mỹ có thể đơn phương yêu cầu điều tra, rà soát các sản phẩm, ngành hàng khác nhập vào thị trường Mỹ bất kể hàng hoá đó có giá trị gia tăng không cao, độ phủ thị trường thấp.

Trước thách thức và rủi ro lớn này, theo đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương: Doanh nghiệp Việt cần chủ động nói "không" với gian lận xuất xứ và lẩn tránh thuế vì điều này có hại trực tiếp đến doanh nghiệp, lâu dài đến ngành hàng, lĩnh vực và có thể ảnh hưởng thương hiệu quốc gia.

Trong các quy định pháp luật, hiện nay có Thông tư về "sản xuất tại Việt Nam" - Made in Vietnam", hàm lượng sản xuất ở Việt Nam, giá trị gia tăng ở Việt Nam là bao nhiêu trong chuỗi sản phẩm, cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, cần tuân thủ các quy tắc về C/O, quy tắc về sản xuất và giá trị gia tăng của nước sản xuất để đảm bảo đúng đúng quy định của WTO, đồng thời có đủ căn cứ để theo các vụ kiện nếu phát sinh.

Ở chiều hướng chủ động, hiện xu hướng sản phẩm đa phương hoá, có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, doanh nghiệp Việt cần tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một nước nhập khẩu, tối đa hoá chi phí sản xuất cần phải đi kèm với quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất, giá trị gia tăng, để tự bảo vệ mình trước các cuộc khiếu nại tiềm tàng trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem