Độc đáo giống nhãn chín muộn ngọt lịm tại vùng ngoại thành Hà Nội
Độc đáo giống nhãn chín muộn ngọt lịm tại vùng ngoại thành Hà Nội
Duy Huy - Song Phúc
Chủ nhật, ngày 23/07/2023 14:14 PM (GMT+7)
Vườn nhãn chín muộn ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội năm nay dự báo sẽ được mùa lớn, trong khi đó người nông dân không phải chịu cảnh "được mùa mất giá" bởi tính chất đặc biệt của giống nhãn này.
Video đặc sản nhãn chín muộn Đại Thành. Thực hiện: Duy Huy- Song Phúc.
Đặc sản nhãn ở Đại Thành
Không giống như vườn nhãn ở những địa phương khác đang vào vụ chín, chuẩn bị thu hoạch, đến tháng 7, những vườn nhãn ở Ðại Thành mới đang ra quả, quả chỉ to bằng đầu đũa, nhưng rất sai.
Chị Nguyễn Thị Tuyến, chủ hộ trồng nhãn ở xã Ðại Thành cho biết, đặc điểm của đặc sản nhãn chín muộn là quả nhãn có đặc điểm cùi dày, giòn, ráo nước, dễ tách, vị thơm và ngọt đậm, khối lượng trung bình đạt 70 - 75 quả/ kg, đặc biệt thời gian thu hoạch muộn hơn so với giống Nhãn đại trà khác khoảng 1 tháng (từ 20/8 – 20/9).
Theo tiết lộ của chị Tuyến và những hộ dân nơi đây, giá bán buôn tại vườn từ 40 nghìn đến 45 nghìn đồng/kg. Mùa thu hoạch nhãn Ðại Thành muộn hơn mùa thu hoạch nhãn khoảng một tháng, tức là vào khoảng thời gian từ giữa tháng 8 tới cuối tháng 9, khi các loại nhãn khác đã hết mùa. Vì thế mới gọi đây là giống nhãn chín muộn.
"Nói về chất lượng, quả nhãn ở đây ngon không kém gì nhãn lồng Hưng Yên, nhưng vụ thu hoạch lại gối vụ nhãn Hưng Yên. Thêm nữa, thời gian quả chín lưu được trên cây lâu hơn, mà chất lượng không hề bị giảm nên người nông dân có thể chủ động trong thu hái. Cũng vì thế mà nhãn Ðại Thành luôn giữ được giá bán, không bị ép giá trong mùa vụ thu hoạch", chị Tuyến chia sẻ.
Quả nhãn chín muộn Đại Thành thường có 3 mức và được phát hiện là nhờ vào con Dơi. Khi quả nhãn chín đạt đỉnh của nước một thì con Dơi sẽ về ăn, ăn độ 2 - 3 ngày khi thấy nhạt nước sẽ đi tìm cây khác. Đến đỉnh của nước hai, con Dơi lại về ăn 2 – 3 ngày. Đến đỉnh của nước thứ 3 khi thấy Dơi về ăn là thu hoạch tốt nhất. Khi đó quả nhãn chín đều, mọng nước, thơm ngon, còn nếu để quá nước 3, nước nhãn sẽ nhạt dần và bị thối.
Làm giàu nhờ nhãn giống đặc sản
Ông Nguyễn Quang Thành, người dân ở địa phương cho hay, hiện nay, giống cây nhãn quý này đã được phát triển mạnh mẽ, nhân giống khắp nơi trong xã. Cho đến nay nông trại nhãn của gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến có diện tích hơn 5.000m2 với gần 100 gốc nhãn muộn đã cho thu hoạch, nhiều gốc nhãn ghép từ cây "nhãn tổ" cũng đang chuẩn bị cho quả.
Hàng năm, chị Tuyến thu lợi nhuận từ việc bán nhãn quả từ 250 – 300 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ trồng nhãn còn nhân giống nhãn muộn đại trà, nhờ vào kỹ thuật ghép mắt cây nhãn tổ.
Cây con gieo hạt xong từ 6 – 8 tháng tuổi, có thể lấy mắt ghép từ cây nhãn tổ để tiến hành ghép. Những cây sau khi chăm sóc từ 4 – 6 tháng có thể xuất vườn. Còn những cây khác có thể nuôi lớn tại vườn, sau 1 năm có thể cho thu hoạch quả. Chất lượng cây con giống luôn đạt từ 90% – 98% phẩm chất của cây nhãn tổ, sau khi trồng 6 – 8 tháng có thể cho thu hoạch lứa đầu.
Đến nay, chỉ riêng xã Đại Thành đã có gần 600 hộ hộ trồng nhãn, chiếm trên 61% số hộ trong xã. Cả Đại Thành giờ đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao đời sống nhân dân, tăng thu nhập và làm giàu bằng cây nhãn muộn.
Ngoài ra, xã đang quy hoạch thêm một số diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nhãn chín muộn. Từ cây "nhãn tổ" nay đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân Đại Thành vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai". Sản phẩm nhãn Đại Thành đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật bản và một số nước châu Âu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.