Giấy được sản xuất từ nguyên liệu chính là cây vầu non và dây leo. Nguồn nguyên liệu làm giấy bản có sẵn từ thiên nhiên và có khả năng tái tạo hàng năm, không gây ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm giấy bản sử dụng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhiều dân tộc và là một loại giấy không thể thiếu được trong các nghi lễ cấp sắc, lễ cầu an của bà con dân tộc Dao. Hiện cả thôn có gần 100 hộ duy trì thường xuyên nghề sản xuất giấy bản. Trung bình mỗi hộ sản xuất trên 80 buộc giấy/năm; mỗi năm bà con trong thôn thu về gần 2 tỷ đồng từ nghề này.
Làng nghề giấy bản Thanh Sơn.
Đến thăm làng nghề làm giấy bản Thanh Sơn, chúng tôi ghé thăm gia đình ông bà Phàn Chàn Phú và Lò Thị Sâu, một hộ làm giấy bản lâu năm. Bà Sâu cho biết: “Làm giấy bản phải kiên trì, ngày thì làm giấy, phơi phóng, tối bóc tách để tạo thành từng buộc, nhiều hôm làm đến 10 giờ đêm, mỏi hết lưng mới đi ngủ”.
Nhà nào làm khỏe mỗi năm làm được khoảng 100 buộc giấy, mỗi buộc 80 thếp giấy. Do nhu cầu không chỉ riêng của đồng bào Dao mà bà con các dân tộc Mông, Tày, Pu Péo, Pà Thẻn và cả người Kinh cũng đều dùng giấy bản cho các lễ nghi sinh hoạt truyền thống nên việc tiêu thụ giấy khá dễ. Giá 1 buộc giấy bản từ 100.000 - 115.000 đồng. Nhà nào làm khỏe mỗi mùa làm giấy cũng thu về từ 8 - 10 triệu đồng.
Anh Triệu Tràn Lìn, người trong bản cho hay: Nhờ làm giấy bản, mà gia đình anh có thêm thu nhập, tạo điều kiện cho 2 con đi học ngoài thị trấn đầy đủ hơn.
Ông Hồ Ngọc Hải - Bí thư Đảng ủy thị trấn Việt Quang cho biết: “Thôn Thanh Sơn hiện có trên 118 hộ người Dao, trong đó có hơn 80 hộ còn giữ gìn nghề làm giấy bản truyền thống. Việc phát triển làng nghề làm giấy bản không chỉ lưu giữ nghề truyền thống mà còn đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con. Đến nay, huyện đã có Đề án về xây dựng làng nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng ở thôn Thanh Sơn. Sở VHTTDL cũng hỗ trợ khôi phục văn hóa truyền thống dân tộc Dao thôn Thanh Sơn...”.
Thùy Hương (Thùy Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.