Độc đáo lễ hội dưới giàn gừa khổng lồ nhất miền Tây

Huỳnh Văn Nguyệt Thứ năm, ngày 16/04/2015 16:13 PM (GMT+7)
Khu di tích Giàn Gừa ở ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ xưa là một khu giàn gừa khổng lồ và là căn cứ cách mạng của quân và dân ta trước năm 1975.
Bình luận 0

Tháng 4 năm 2013, khu Di tích lịch sử Giàn Gừa đã được UBND TP.Cần Thơ công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố và ngày 13.6.2013 Giàn Gừa cổ thụ nơi đây đã được Hội Bảo trợ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam.

img
Giàn gừa Nhơn Nghĩa – Cây di sản Việt Nam. (ảnh: Tác giả)

Gừa là một loài cây phổ biến ở Nam bộ, thường mọc hoang dọc theo các kinh rạch, sông ngòi. Nhưng nét độc đáo của giàn gừa Nhơn Nghĩa là bộ rễ cứ tiếp tục phát triển và cắm sâu vào lòng đất, cành này đan xen vào cành kia, quyện chặt vào nhau tạo thành một tổng thể hài hòa và có sức sống kỳ diệu. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giàn gừa mọc hoang um tùm, trở thành địa điểm nguỵ trang an toàn cho bộ đội ta…

Ngày nay, du khách đến đây vẫn sẽ có cảm giác giống như lạc vào một cánh rừng yên ả, thanh bình, không khí thật mát mẻ và trong lành. Dù chưa có số liệu công bố chính xác, nhưng có thể nói đây là một giàn gừa  khổng lồ, lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hiện còn lại là gần 3000 m2, có thể chứa trên 1000 người dự lễ, vãn cảnh dưới bóng cây mát rượi.

Cũng chưa ai biết rõ nguồn gốc của giàn gừa nầy, nhưng nhiều bô lão người địa phương khẳng định lúc họ còn nhỏ là giàn gừa đã che phủ cả một vùng rộng lớn. Chuyện dân gian kể lại gắn với tích thời khai hoang mở cõi, có một gia đình họ Nguyễn đến vùng đất Nhơn Nghĩa lập nghiệp. Trong quá trình khai khẩn, không may giàn gừa bốc cháy khiến cảnh vật trở nên hoang tàn. Không bao lâu sau, trong làng lại có nhiều người mắc bệnh lạ không chữa khỏi. Sau đó, có một vị đạo sĩ từ xa đến bốc thuốc chữa trị, ông cho biết giàn gừa nầy là một không gian thiêng, nơi ngự của Bà Thượng Động Cố Hỷ. Nay muốn cho dân tình an cư lạc nghiệp, bà con phải trồng lại hàng gừa và hằng năm làm lễ cúng Bà.

Từ tín ngưỡng dân gian xưa, bà con đã dựng lên miếu thờ Bà, coi Bà là vị nữ thần được nhiều người tôn kính như một ân nhân của dân làng. Miếu thờ lúc đầu đơn sơ nhưng nay đã được tôn tạo khang trang.

Với ý nghĩa lịch sử và văn hóa của Giàn Gừa, hàng năm vào ngày 28.2 âm lịch, chính quyền địa phương cùng Ban tế tự đã long trọng tổ chức lễ hội Giàn Gừa, thu hút rất đông bà con và khách tham quan về tham dự trên tinh thần hướng về cội nguồn, ghi nhớ những người có công khai khẩn đất đai bờ cõi, những anh hùng liệt sĩ với tấm lòng thành kính biết ơn, tri ân quá khứ.
          

Trong phần lễ, ngoài các nghi thức truyền thống như dâng hương, cúng lễ còn có một loại hình diễn xướng độc đáo, lôi cuốn nhiều người hâm mộ, đó là tiết mục múa bóng rỗi nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với Bà Thượng Động Cố Hỷ, một vị phúc thần, từ lâu đã được nhân dân tôn sùng là ân nhân của dân làng.

Mới đây, trong khuôn viên khu di tích giàn gừa, Ban Quản lý Khu di tích cùng nhân dân địa phương đã qui hoạch nơi an vị thờ Bác Hồ và nơi thờ 12 cô gái hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc để du khách khi có dịp vào đây đến kính viếng, tri ân, tưởng niệm.  

Một số hình ảnh Lễ hội Giàn Gừa:

img
Bà con về dự lễ hội ngay dưới bóng Giàn Gừa xanh mát.
img
Miếu Bà Thượng Động Cố Hỷ.
img
Các mâm lễ chuẩn bị múa dâng lên Bà Thượng Động Cố Hỷ.
img
Cảnh múa bóng rỗi tại lễ hội Giàn Gừa.
img
Múa bóng rỗi truyền thống.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem