Trước khi SEA Games 30 tổ chức tại Philippines diễn ra, không nhiều người hâm mộ tại khu vực Đông Nam Á biết đến Kurash. Theo một số tài liệu, nếu Judo xuất hiện ở Nhật Bản năm 1532, Taekwondo có từ năm 918 ở thời kỳ Cao Ly (Hàn Quốc ngày nay) thì Kurash thậm chí được cho là có bề dày lịch sử không dưới… 3.500 năm trước.
Nói có sách, mách có chứng, gần 2.500 trước, trong tác phẩm của nhà triết học và sử gia Hy Lạp cổ đại Herotus, ông đã đề câp đến Kurash và nhận định đó là một môn võ phổ biến với những người sống trong lãnh thổ của Uzbekistan hiện tại. Ngoài ra, nhà khoa học Avicenna (người đặt nền móng cho y học hiện đại) cũng viết trong tác phẩm của mình từ thế kỷ X rằng, tập luyện Kurash là cách rất tốt để giúp con người có sức khỏe dồi dào. Nói tóm lại, Kurash là môn thể thao có từ rất lâu đời và là môn võ truyền thống của Uzbekistan.
Nhưng đấy là nói chuyện sử sách, còn trên thực tế, Kurash là môn thể thao khá mới mẻ với khu vực Đông Nam Á. Người dân không coi đây là môn thể thao phổ biến vì đơn giản là ít được theo dõi và cũng… không biết luật.
Để dễ hình dung hơn, Kurash là môn thể thao chú trọng vào yếu tố thể lực và cơ bắp. Luật thi đấu Kurash hiện tại có nhiều nét tương đồng với môn Judo. Tuy nhiên, quy tắc thi đấu của Kurash nghiêm cấm mọi động tác diễn ra khi nằm trên sàn, các võ sĩ chỉ được tác động đến đối thủ ở tư thế đứng cũng như chỉ được sử dụng các cú ném và quét chân. Các kỹ thuật như khóa tay, kẹp cổ, đá hay nắm dưới thắt lưng đều bị nghiêm cấm. Ngoài ra, các võ sĩ Kurash mặc 2 màu áo khác nhau khi tranh tài là xanh da trời và xanh lá cây thay vì một màu như Judo và có thời gian thi đấu ngắn hơn.
Năm 2019, Philippines quyết định đưa Kurash lần đầu tiên trong lịch sử vào nội dung thi đấu của SEA Games. Tại SEA Games 30, Kurash có 10 nội dung thi đấu và nước chủ nhà có lẽ tin rằng, môn thể thao "lạ" này sẽ giúp họ giành được nhiều HCV.
Tuy nhiên, "của người phúc ta", Kurash đã trở thành "mỏ vàng" của ĐT Kurash Việt Nam. Ít ai biết rằng, từ năm 2007, rất nhiều võ sĩ judo Việt Nam đã chuyển sang luyện tập kurash và đã giành rất nhiều thành tích cao tại các giải đấu lớn nhỏ khác nhau. Chính vì vậy, ĐT Kurash Việt Nam không hề bỡ ngỡ và dễ dàng có được những chiến thắng ấn tượng.
Năm 2008, chỉ sau 3 tháng tập Kurash, võ sĩ Văn Ngọc Tú (người được coi là "cô gái vàng Judo" của Việt Nam tại nhiều kỳ SEA Games trước đây) đã liên tục giành HCV tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2009, 2013.
Dù chỉ đặt mục tiêu giành 3 HCV, nhưng cuối cùng ĐT Kurash Việt Nam đã giành tới 7/10 HCV của môn Kurash tại SEA Games 30. Đến SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào năm 2022, Việt Nam tiếp tục đưa Kurash vào chương trinh thi đấu chính thức. Một lần nữa, ĐT Kurash Việt Nam đã chơi thăng hoa và lại giành ngôi nhất toàn đoànvới 7/10 HCV.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.