Đọc sách cùng bạn: "Bao giờ cũng có thằng cu ở trên gác"

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 07/04/2023 10:35 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Những kẻ phiêu lưu” của nhà văn Mỹ Harold Robbins (1916 – 1997) qua bản dịch từ tiếng Anh của dịch giả Lê Văn Viện. Tác phẩm trong nguyên tác được tác giả bố cục thành 6 quyển, ở bản tiếng Việt in thành hai tập, mỗi tập gồm 3 quyển.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: "Bao giờ cũng có thằng cu ở trên gác" - Ảnh 1.

Tác phẩm là câu chuyện về bạo lực, tình dục, sự phản bội, trả thù và âm mưu mà nhân vật đã trải qua trong cuộc cách mạng diễn ra ở nước Corteguay, một quốc gia hư cấu ở Nam Mỹ. Đây là một bản sử thi quy mô, lôi cuốn và khắc nghiệt về hoạt động của một con người mạnh mẽ, luôn biết anh ta muốn gì – và không bao giờ lựa chọn phương tiện để đạt được các mục đích của mình. Về hoạt động của một con người  thường xuyên thay đổi đất nước và nghề nghiệp, phụ nữ và bạn bè, chính kiến và nguyên tắc, nhưng bao giờ cũng trung thành với chính mình trong điều chủ yếu của cuộc đời  - khát khao điên cuồng sự dấn thân, phiêu lưu để tìm con đường phục vụ đất nước. Con người đó là Dax.

NHỮNG KẺ PHIÊU LƯU

Tác giả: Harold Robbins

Dịch giả: Lê Văn Viện

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023, hai tập

Tập 1: 475 trang (khổ 14,5x20,5cm)

Tập 2: 549 trang (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 1000/tập

Giá bán: 150.000đ/tập

Dax là gọi tắt của tên đầy đủ Diogenes Alejandro Xenos. Diogenes là theo tên một nhân vật đi tìm sự thật trong truyền thuyết, còn Alejandro là tên kẻ chinh phục thế giới. Ông bố đã giải thích cái tên đứa con trai như vậy và khi nâng cậu bé dưới những giọt nước rửa tội của linh mục ông đã tuyên bố: "Với sự thật, nó sẽ chinh phục thế giới." Cuộc đời của Dax quả đã đúng như lời dự báo của bố mình.

Mở đầu truyện cậu bé Dax đã phải chứng kiến cảnh quân đội chính phủ hãm hiếp chị gái mình và sát hại cả mẹ và chị một cách dã man. Cậu đã tận mắt chứng kiến bi kịch của cuộc cách mạng trong đau đớn và căm thù. Vị tướng cầm đầu cuộc nổi dậy đã cho cậu tự bóp cò súng trả thù những kẻ đã giết mẹ và chị mình. Từ đó cậu bắt đầu dấn thân vào cuộc giết chóc cùng với con trai tướng quân và những thanh niên khác ở trên rừng núi, trong khi bố cậu – một luật sư thì đi theo vị tướng chiến đấu với mong muốn đóng góp cho tương lai của đất nước.

Cuộc cách mạng thành công. Vị tướng thành tổng thống. Ông bố sau một thời gian tận tuỵ với chính quyền mới đã tỏ ra thất vọng và qua đời. Dax được tổng thống tin cậy chọn thay bố mình đảm đương các công việc quốc gia. Anh được phái đến châu Âu, đến Mỹ, được cử làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, để tìm kiếm sự ủng hộ cho việc xây dựng lại tình trạng tài chính và ngoại giao của đất nước mình sau cách mạng. Từ đó cuộc đời anh lập tức bị ném vào môi trường thượng lưu của xã hội châu Âu giữa các ông chủ ngân hàng và các nhà ngoại giao quốc tế.

Bề ngoài, Dax sống một cuộc sống đầy đặc quyền với tư cách một nhà ngoại giao ở nước ngoài, thêm vào đó là với tư cách một kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc, một tay chơi playboy quốc tế. Ở lục địa nào anh cũng được cả đàn ông và phụ nữ săn đón, tất nhiên với những lý do rất khác nhau về cả chính trị và tình dục. Cuốn tiểu thuyết vì vậy cũng khá đậm đặc các cảnh làm tình trần trụi, bạo liệt. Tuy nhiên, tự bên trong con người mình, Dax dần chuyển sự sợ hãi, tức giận và căm thù của mình đối với chế độ mới, mà anh nhận ra là vẫn tham nhũng thối nát như chế độ cũ, thành mong muốn phá vỡ hiện trạng. Từng được yêu thích bởi vị tướng quân giờ đã trở thành nhà tổng thống độc tài, Dax nhanh chóng trở thành kẻ ngoài vòng pháp luật ở chính đất nước của mình, sống bên lề xã hội với tư cách là một kẻ nổi loạn sẵn sàng cho một cuộc cách mạng mới.

Nhưng kết cục của Dax đã được định sẵn. Tổng thống sử dụng anh và kiểm soát anh. Mọi đường đi nước bước của anh đều nằm trong kế hoạch của tổng thống. Cho đến khi tổng thống đưa anh lên làm phó của mình và anh đã tận dụng quyền lực đó để có thể hành động theo ý mình, trái với lệnh tổng thống, và cuối cùng buộc được tổng thống phải lưu vong, thì anh lại bị tên tổng thống thay thế bày mưu giết hại. Đó chính là tên tướng mà anh đã cứu thoát khỏi án tử hình của vị tổng thống cũ và đã nhường để hắn lên làm tổng thống lâm thời khi lẽ ra anh được ngồi vào vị trí đó theo hiến pháp và theo nguyện vọng của hội đồng tướng lĩnh. "Chúng ta cần một người hiểu biết và yêu thương người dân Corteguay", Dax đã nói vậy, và anh đã chết vì vậy. Cuộc cách mạng ở nước Corteguay, như thế, lại lặp lại từ đầu.

Tiểu thuyết "Những kẻ phiêu lưu" bắt đầu bằng "Lời bạt cũng là lời tựa" và kết thúc bằng "Tái bút". Lời đầu kể lại cuộc hoả táng thi hài Dax sau mười năm mất mà may mắn một nhà báo Mỹ đọc được mẩu thông báo đã tìm đến nghĩa trang. Một con người nổi tiếng với một cuộc đời lừng lẫy mà nay hoàn toàn cô đơn. Nhà báo nói với người cai bốc mộ trong sự ngậm ngùi: "Đây là một người anh hùng. Trái đất rung chuyển trước ông khi ông bước đi, đàn ông yêu ông và sợ ông, đàn bà run rẩy trước sức mạnh nơi bắp vế ông, người ta tìm kiếm sự chiếu cố của ông. Mà giờ đây không một ai ở đây để tưởng nhớ ông." (tr. 13). Lời cuối cho biết ông nhà báo Mỹ đó chính là Jeremy Hadley một người bạn cũ của Dax và hé lộ Dax còn để lại trên đời một đứa con trai. Như vậy nếu các vị tổng thống thay thế nhau cầm quyền phá hoại đất nước thì những người anh hùng cũng kế tục nhau đấu tranh mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Cuộc cách mạng sẽ không bao giờ chấm dứt.

Với nhân vật Dax Xenos, nhà văn Harold Robbins đã khiến người đọc xúc động và phấn khích với một trong những nhân vật hấp dẫn và đáng nhớ nhất của ông - một người anh hùng phức tạp, mâu thuẫn. Trong cả sự nghiệp sáng tạo của mình, ông đã viết 35 tiểu thuyết và được dịch in ở 33 nước. Trong các cuốn đó thì "Những kẻ phiêu lưu" là một tiểu thuyết đầy tham vọng nhất từ trước đến nay của Harold Robbins, nơi ông đã đưa cảm xúc của mình gắn với các âm mưu chính trị, với nhiều địa điểm kỳ lạ trải rộng khắp toàn cầu và với các chủ đề dường như không bao giờ thay đổi, như chính tên các quyển trong sách đã nói lên: Bạo lực và Quyền lực – Quyền lực và Tiền – Tiền và Hôn nhân – Hôn nhân và Thời trang – Thời trang và Chính trị - Chính trị và Bạo lực.

Harold Robbins là một nhà văn mạnh mẽ. Để nói về ông tưởng có thể dùng đến lời của nhà xuất bản lâu đời Hodder & Stoughton, nơi xuất bản nhiều sách của ông, đã được in ở bìa 4 của cả hai tập sách này: "Trong thời của mình, Robbins là một gã Playboy và là một sư phụ trong xuất bản. Ông là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, nhưng những câu chuyện về chính cuộc đời ông thậm chí còn đậm chất tiểu thuyết hơn cả những cuốn tiểu thuyết của ông. Với trên 750 triệu bản sách được bán ra trên toàn thế giới, ông đã kiếm được và tiêu hơn 50 triệu đô la Mỹ trong đời mình. Ông cũng được xem là một thành phần của cuộc cách mạng xã hội và tình dục…"

Một tác giả như vậy, một tác phẩm như vậy, thật hay, đã vào được tiếng Việt qua một bản dịch có thể nói là truyền được tinh thần của nhân vật và câu truyện, dù có thể có những chỗ còn phải trau chuốt câu chữ hơn. Bản dịch của Lê Văn Viện đã toát lên được tính cách của Dax và Mèo Bự - người được giao phó bảo vệ anh ngay từ lúc nhỏ và theo anh suốt cả cuộc đời cho tận đến lúc bị chết cùng anh. Những cảnh tình dục của Dax với các phụ nữ mà tác giả mô tả một cách bạo liệt, cuồng nhiệt, đã được dịch giả chuyển ngữ đúng khí chất các nhân vật. Những đối thoại của các nhân vật về đủ các lĩnh vực chính trị, ngân hàng, hàng hải, vũ khí cũng đã được dịch giả truyền đạt một cách sinh động, phù hợp. Có thể nói cả cuốn tiểu thuyết "Những kẻ phiêu lưu" dữ dội cuồng loạn các âm mưu thủ đoạn chính trị, các khát vọng tình yêu và bản năng tình dục từ tiếng Anh sang tiếng Việt vẫn là dữ dội cuồng loạn cái không khí hừng hực ấy. Đó là một thành công của dịch giả. Thành công này còn đáng quý hơn khi dịch giả Lê Văn Viện (bố của ca sĩ Hồng Nhung) thực hiện bản dịch ngót một nghìn trang này khi ở độ tuổi đã ngoài tám mươi. Tiếng Việt văn dịch của ông trong sách này khoẻ khoắn, khuấy động, thật là đúng với người tác giả và nhân vật.

Từ chỗ hoả táng Dax quay về nhà, Jeremy cầm theo chiếc nhẫn nhận được ở hài cốt người bạn. Đó là chiếc nhẫn của các sinh viên đại học Harvard tặng cho Jim, anh trai ông, và Jim đã tặng lại cho Dax. Ông đưa nó cho vợ mình, Beatriz, người phụ nữ mà sinh thời Dax đã muốn gắn bó trọn đời, sau bao cuộc phiêu lưu tình ái. Beatriz đã bỏ chiếc nhẫn vào lò đốt. Đáp lại câu hỏi của Jeremy tại sao làm thế, bà đáp: "Anh ấy đi rồi. Chẳng còn cái gì của anh ấy ở lại ngoài một giấc mơ mà tất cả chúng ta đã từng có khi chúng ta còn trẻ." Tác giả kết thúc tác phẩm bằng hai câu này: "Bà đã nhầm. Và ông hiểu là bà biết thế. Bao giờ cũng có thằng cu ở trên gác".

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 6/4/2023


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem