Đọc sách cùng bạn: Cô độc hay cô đơn

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 22/05/2020 08:32 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay ta cùng nhau trải nghiệm một trạng thái tinh thần, tâm lý của con người trong cuộc sống – trạng thái "Cô độc" trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Uông Triều.
Bình luận 0

Thế nào là sự cô độc? Cô độc khác gì với cô đơn? Ở trang 142 của cuốn sách có hai câu đối thoại:

"Anh cô đơn lắm à?

Không, chính xác là cô độc" (tr. 142).

Tên sách là "Cô độc" mà để cho nhân vật nói ngay ra cô độc thế này nghe chừng lộ liễu. Lẽ ra phải để nó toát ra từ đời sống nhân vật và tình huống truyện cho độc giả luận ra. Nhưng tôi đang giới thiệu sách cho bạn mà chưa chi đã chê là sao? À, chê một ý ấy thôi, và để bạn tò mò cầm sách lên đọc để xem tôi chê có đúng không.

Đọc sách cùng bạn: Cô độc hay cô đơn - Ảnh 1.

Cuốn tiểu thuyết có 60 khúc viết ở ngôi thứ ba luân phiên giữa hai nhân vật Ba – các khúc số lẻ và B – các khúc số chẵn, như vậy mở đầu bằng B và kết thúc bằng Ba. Dấu vết liên quan giữa hai nhân vật này ngoài giống nhau phụ âm đầu của tên còn là cùng làm biên tập sách văn chương ở một nhà xuất bản, cùng mê chữ nghĩa và khao khát tìm được những bản thảo tuyệt đích, cùng say vẻ đẹp bản năng bí ẩn của phụ nữ. Truyện về Ba chủ yếu diễn ra ở không gian gia đình và bên ngoài, còn truyện của B chủ yếu quanh quẩn trong không gian nhà xuất bản. Tạo ra một trò chơi xếp đặt xen kẽ các khúc như vậy, nhà văn buộc người đọc phải đọc văn bản cuốn sách ít nhất theo hai cách:

A. Theo tuyến tính sắp xếp của tác giả cứ Ba (lẻ) đến B (chẵn) như đã trình bày trong sách. Đọc cách này tạo cảm giác một mà hai.

B. Theo tuyến tính vận động của nhân vật, đọc hết phần lẻ của Ba rồi sang phần chẵn của B, hoặc ngược lại. Đọc cách này tạo cảm giác hai mà một.

Đọc cách nào cũng thấy Ba-B dãy dụa vùng vẫy với chính mình trong tấm lưới sống do mình giăng ra giữa tấm lưới đời. Họ thấy vô vị và vô nghĩa kiếp hiện sinh của mình. Có chạy vào tình dục cũng chỉ để tháo thân vô vọng. Họ tuyệt vọng tìm kiếm cái bản thảo tuyệt đích của một bóng hình tuyệt tích. Và họ cũng tuyệt tăm. Ba không con cái và B thì tự sát. 

Uông Triều đã xé nhân vật ra, bắt mỗi nửa phải ứng xử với một môi trường, một hoàn cảnh, tráo lộn nhau, đổi chỗ nhau, để rồi dù có quẫy lộn đến đâu, cả hai nửa rốt cục đều chỉ là một - Người Cô Độc. (Uông Triều đã có một tiểu thuyết khác tên là "Người mê"). Nếu ai biết tên thật tác giả là Ban thì Ban-Ba-B rơi dần các chữ cái có thể coi là một dụng ý của nhà văn. Cô độc đến cả cái tên cũng chỉ còn rút lại một ký tự. Từ đây có thể liên hệ ảnh hưởng từ F. Kafka. Lại nữa, nếu ai biết công việc hiện tại của nhà văn thì thấy nghề nghiệp biên tập sách của nhân vật hẳn không phải ngẫu nhiên.

CÔ ĐỘC

Tác giả: Uông Triều

Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019

Số trang: 288

Số lượng: 1.000

Giá bán: 98.000đ

Vậy cô độc là gì mà ghê gớm thế? Theo tâm lý học, cô độc là trạng thái khi con người ở một mình nhưng không lẻ loi. Nó là trạng thái có tác dụng tích cực cho con người đi sâu vào chính mình. Nó là điều đáng thèm muốn, một trạng thái mình được đối diện với mình, mình với mình là bạn đồng hành. Nó là cơ hội để làm mới mình. Cô độc khác cô đơn. Cô đơn là trạng thái tiêu cực được đánh dấu bằng cảm giác cô lập. Người ta vẫn có thể ở giữa mọi người mà vẫn cảm thấy lẻ loi, đó là dạng cô đơn cay đắng nhất. Cô độc là cái anh lựa chọn, cô đơn là người khác áp đặt lên anh. Cô độc hồi phục cơ thể và tâm trí, cô đơn vắt kiệt chúng. (Solitude is something you choose, loneliness is imposed on you by others. Solitude restores body and mind. Loneliness depletes them). Đọc văn mà luận khái niệm như vậy e mất văn. Nhưng cứ theo đó thì Ba-B là cô độc hay cô đơn? Những điều tôi nói trên về sự vùng vẫy dãy dụa của nhân vật hai-trong-một vừa là tích cực vừa là tiêu cực nhìn ở hai khái niệm cô độc – cô đơn. Họ chủ động tách khỏi hoàn cảnh xung quanh, muốn dứt bỏ những rào cản của công việc và xã hội, gia đình để vươn tới những ý hướng tốt đẹp của mình. Nhưng cuối cùng họ đã chọn cái chết như một cách trả lời.

"Anh có khuynh hướng ủng hộ những thứ mơ hồ, tăm tối, túng quẫn và nổi loạn"

"Đó là những quyển sách hay", B như bừng tỉnh.

"Vấn đề ở chỗ là một số sách như thế đã làm suy yếu nhà xuất bản của chúng ta", ông giám đốc nói.

"Ông có quyền sa thải tôi, ông có quyền làm việc đó mà" (tr. 176-177).

Cuốn tiểu thuyết của Uông Triều đưa đến cái khác cho người đọc ở cách viết xáo trộn như đã nói. Ít nhất thì người ta không đọc nhanh vội được vì cứ sau mỗi khúc lại phải dừng lại để kết nối những khúc cùng mạch với nó và kết nối hai mạch truyện với nhau. Do đó mỗi lần đọc cuốn truyện lại như mới. Đó là một kết quả. Tuy rằng độc giả có thể đòi hỏi tác giả phải để cho B và Ba cô độc và cô đơn với nhau hơn nữa đến mức sự liên quan giữa hai nhân vật chỉ là sự cô độc và cô đơn trong bản thể của một. Hoặc giả nửa này là cô độc và nửa kia là cô đơn. Điều này chắc còn phải chờ sự thử nghiệm các thủ pháp nghệ thuật ở những tác phẩm sau của nhà văn này. Ngoài kết cấu song hành (tôi không muốn dùng chữ "cấu trúc"), "Cô độc" cũng hút được độc giả ở cách dựng truyện và đối thoại. Câu văn viết có chỗ lối tây. Nhưng cách dùng dấu ngoặc kép cho các câu đối thoại thay vì dùng dấu gạch ngang như nhiều tác giả nước ngoài hay dùng thì không chỉ là một biện pháp kỹ thuật. Nó cho thấy sự liền mạch trong diễn biến tâm lý và đối thoại.

Uông Triều sinh năm 1977 tại Quảng Ninh, từng dạy học 10 năm ở vùng Đông Bắc, hiện sống ở Hà Nội và làm biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội. "Cô độc" là tác phẩm mới nhất của anh sau ba tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, một tập tản văn đã xuất bản.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem