Thua lỗ vẫn bám vườn, chăm cây
Sau một năm “cà mất mùa, tiêu chết trắng”, nông dân trên địa bàn Gia Lai lại dồn hết sức để chăm sóc cây cà phê, tiêu thật kỹ, với hy vọng năm nay mùa vụ sẽ tốt hơn năm cũ.
Vừa bắc ống tưới cà phê, ông Nguyễn Xuân Hòa (tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) tâm sự với chúng tôi: “Năm vừa rồi tôi có hơn 2.000 trụ tiêu bị chết, thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 3ha cà phê cũng không ăn thua do vừa mất mùa lại mất giá. Nhưng làm nông là vậy, được hay thua cũng phải bám vườn".
Ông Nguyễn Xuân Hoà ở huyện Ia Grai đã hoàn thành việc tưới lần 1 cho diện tích cà phê của gia đình. Ảnh: I.T
Theo con số thống kê của ngành nông nghiệp, toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 500.000ha cà phê, chiếm trên 95% diện tích cà phê của cả nước.
Tuy nhiên những năm gần đây, vùng chuyên canh trồng cà phê lớn nhất Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nhiều diện tích già cỗi, năng suất giảm, giá cả bấp bênh…
|
Ông Hòa cho hay: "Mấy ngày áp tết, tôi đã tưới được một ít rồi, giờ tranh thủ tưới cho xong để cà phê kịp ngày bung hoa, hy vọng vụ tới sẽ được mùa, được giá. Năm nay gia đình tôi thu hoạch sớm nên hoa cương sớm, nếu không tưới kịp lá sẽ héo hết, cành không bung hoa, hoa nở không đều và năng suất cà phê sẽ giảm”.
Cũng theo ông Hòa, cứ đến dịp xuân về thì cũng là thời điểm cây cà phê cần nước để bung hoa, ra quả. Đây cũng là đợt tưới đầu tiên trong năm, sau đó qua Tết Nguyên đán khoảng một tháng thì bà con nông dân lại kéo máy ra vườn tưới tiếp đợt 2… Nhìn chung, ở đợt tưới đầu tiên, lượng nước đầy đủ, không thiếu như mọi năm.
Tương tự gia đình ông Hòa, gia đình anh Nguyễn Ngọc Bình (trú tại xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cũng tranh thủ mấy ngày nghỉ tết tưới xong hơn 2ha cà phê để cây có sức kịp ngày bung hoa.
“Năm vừa rồi vườn cà phê của gia đình tôi bị mất mùa, năng suất giảm mạnh. Cả gia đình mấy miệng ăn đều trông chờ vào rẫy cà phê này, giờ nếu mất mùa nữa thì lấy gì mà ăn? Do đó, mấy ngày tết tôi vẫn tranh thủ buổi sáng đi chúc tết, buổi chiều và tối muộn vẫn ra vườn tưới cho xong. Làm nông mà, những việc này cũng bình thường thôi, thời điểm Tết Nguyên đán cũng là mùa của hoa cà phê nên phải bổ sung nước sớm. Hy vọng vụ mùa năm nay sẽ bội thu để người nông dân có cái tết khấm khá và ấm áp hơn” - anh Bình nói.
Tại Gia Lai, vụ cà phê năm 2018 đã rơi vào “thảm cảnh” mất mùa, mất giá khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh trắng tay, không đủ tiền tái đầu tư. Hiện giá cà phê nhân trên địa bàn chỉ đạt khoảng 32.000 - 33.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kì năm 2018.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Lân Hưng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ia Grai cho biết: “Tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện là 17.587ha, trong đó cà phê kinh doanh là 15.669ha, còn lại là cà phê tái canh. Theo đánh giá chung trên địa bàn huyện, năng suất cà phê năm nay giảm hơn nhiều so với năm ngoái. Riêng tại Ia Grai, ước tính năng suất giảm đến 2.000 tấn nhân.
Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết, mùa mưa kéo dài đến hơn 3 tháng nên trong thời điểm quả phát triển thiếu ánh sáng, quang hợp kém. Mưa nhiều, các chùm quả không có chặt nên đã xảy ra tình trang rụng quả, thối quả…".
Vẫn lo giá giảm, mất mùa
Được biết, niên vụ vừa qua, 81.000ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh của Gia Lai đều bị giảm năng suất. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, năng suất cà phê toàn tỉnh vụ này chỉ đạt 11,5 tấn quả tươi/ha, giảm gần 1/3 so với vụ năm ngoái. Nếu giá cà phê nhân vẫn ở mức 33 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng cà phê ở tỉnh Gia Lai sẽ bị thiệt gần 1.000 tỷ đồng vì giảm sản lượng.
Nông dân trên địa bàn Gia Lai đang dốc sức tưới đủ nước cho vườn cà phê trồng xen tiêu.
Tại Đăk Lăk, nông dân trồng cà phê cũng đang gặp phải tình trạng tượng tự. Gia đình bà Nguyễn Thị Thía ở thôn 1, xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột) có 2ha cà phê. Năm 2017 gia đình bà thu được hơn 5 tấn nhân, nhưng vụ vừa qua chỉ đạt khoảng 3,5 tấn, giảm tới 40%.
Bà Thía cho biết: “Năm trước nhà tôi thu được 5,4 tấn cà phê nhân, bán được giá 37.000 đồng/kg, trong khi nhân công thu hái chỉ có 200.000 đồng/ngày, nhưng ở vụ rồi giá nhân công lên tới 300.000 đồng/ngày mà kiếm không ra, khiến chúng tôi khó đủ đường. Với 2ha cà phê, gia đình phải đầu tư 150 triệu đồng khi trồng, chưa kể hàng năm tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc cho vườn cũng mất 40-50 triệu đồng/ha… Với sản lượng chưa đạt 2 tấn nhân/ha, lại thêm giá giảm mạnh chỉ còn 33.000 đồng/kg nên tính ra lỗ vài ba chục triệu đồng/ha”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.