Người tiên phong từ mô hình nuôi bò sữa
Từ năm 2006, do kinh tế gia đình khó khăn, anh Lê Minh Nghĩa đã mạnh dạn vay mượn tiền của người thân mua 3 con bò sữa để nuôi. Những năm đầu do chưa nắm vững được kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và tiếp cận các tiến bộ KHKT nên những năm đầu 3 con bò sữa của gia đình chỉ cho thu nhập đủ trang trãi cho cuộc sống hàng ngày.
Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, thời điểm đó anh Nghĩa hàng ngày rong ruổi đến các trang trại trên địa bàn huyện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời anh tìm hiểu qua sách báo về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Khi đã lĩnh hội được kỹ thuật, anh Lê Minh Nghĩa mạnh dạn bàn với vợ tiếp tục đầu tư xây chuồng trại, vay mượn thêm vốn mua thêm con giống, trồng cỏ chăn nuôi bò sữa theo hướng hàng hóa.
Để chăm sóc, nuôi dưỡng 23 con bò sữa của gia đình, anh Lê Minh Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 1 ha cỏ để cho bò đủ dinh dưỡng hàng ngày. Ảnh: CT
Sau một thời gian đầu tư, chăn nuôi bò sữa theo hướng KHKT bắt đầu năm 2016 gia đình anh làm ăn có lãi. Hiện nay, tổng đàn bò sữa của gia đình anh 23 con, trong đó có 12 con bò cho mỗi ngày hơn 200 lít sữa, với giá bán 14 ngàn/lít, sau khi trừ chi phí gia đình còn thu lãi trên 2 triệu đồng/ngày.
Trao đổi với Dân Việt, anh Lê Minh Nghĩa, trú tại xóm Quán Mít, xã Nghĩa Tân chia sẻ: “Trước đây mình chăn nuôi nhỏ lẻ nên thu nhập không ổn định, từ năm 2015, được tham gia các lớp tập huấn của hội nông dân xã và huyện cũng như được Hội đứng ra thế chấp vay vốn ngân hàng, gia đình mạnh dạn nuôi số lượng lớn để tăng thêm thu nhập.”
Để có thêm dinh dưỡng cho bò sữa anh Lê Minh Nghĩa còn trộn ngô, đầu cá khô vào cỏ để cho đàn bò ăn. Ảnh: CT
“Nuôi bò sữa kỹ thuật không khó lắm, đòi hỏi người nuôi phải siêng năng chịu khó mỗi ngày tắm cho bò ít nhất 3 lần sáng, trưa, chiều và cần làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi vắt lấy sữa 1 lần vào buổi sáng. Đặc biệt chú trọng việc chăm sóc cho ăn hàng ngày, ngoài thức ăn chính như cỏ, cây bắp, hàng ngày, gia đình còn cho bò ăn thêm ngô trộn với đầu cá khô xay nhỏ; vào buổi trưa cho bò uống nước pha với cám xay 1-2 kg/con để tăng dinh dưỡng.
Tuy nhiên, muốn bò cho sản lượng sữa cao nhất, chất lượng tốt nhất, đạt yêu cầu của kiểm định nhà máy sữa trước hết chuồng trại phải luôn thông thoáng, sạch sẽ. Khi chọn con giống, phải có nguồn gốc rõ ràng, cao lớn đặc biệt là khi nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh cũng như thời gian cho ăn hằng ngày. Mỗi con bò lấy sữa chỉ kéo dài 9 tháng, nếu kéo dài hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng bò mẹ về lâu dài và chất lượng sữa cũng kém đi, giá sữa sẽ thấp...”. anh Nghĩa cho biết thêm thêm.
Điển hình về thu nhập “khủng” từ bò sữa
Nghề nuôi bò sữa tuy không mới với người dân xã Nghĩa Tân nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung nhưng để nuôi thành công thì không phải ai cũng làm được.
Bởi nghề này đòi hỏi người nuôi phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe như: Diện tích chuồng trại, công tác về sinh môi trường, không sử dụng chất kháng sinh, sữa sau khi vắt xong phải giao cho công ty để đảm bảo tươi, nguyên chất… Đặc biệt, gia đình đã đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ trong việc vắt sữa, giúp rút ngắn thời gian vắt, bảo đảm vệ sinh và tránh được bệnh cho bò.
Trao đổi với ông Cao Ngọc Chỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thì được biết: “Trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con nông dân. Từ đó, đã có nhiều nông dân đã mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình mình như mô hình nuôi bò sữa của anh Lê Minh Nghĩa, chúng tôi xem đây là mô hình điển hình để hội viên nông dân trong xã tham quan học tập và nhân rộng.”
Để đảm bảo vệ sinh cho nguồn sữa, anh Lê Minh Nghĩa còn đầu tư máy vắt sữa để đảm bảo tiêu chuẩn sữa nhập cho nhà máy. Ảnh: CT
“Không phải ai cũng có thể làm nông nghiệp mà giàu sớm được. Việc chăn nuôi bò sữa cũng vậy. Qua tìm hiểu, được biết anh Nghĩa rất chịu khó, siêng năng và biết học hỏi. Từ một người nông dân không biết gì về chăn nuôi bò sữa, anh đã tự mình nghiên cứu, học tập từ nhiều mô hình khác nhau trên địa bàn huyện và các huyện bạn. Đến nay, qua hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi bò sữa, anh trở thành điển hình về thu nhập cao cho người nông dân địa phương.” ông Cao Ngọc Chỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Tân cho biết thêm.
Bằng nghị lực vươn lên hiện nay anh Lê Minh Nghĩa là một trong những hội viên Hội nông dân xuất sắc của xã, anh trở thành tấm gương tiêu biểu về sự năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế địa phương. Những mô hình phát triển kinh tế như thế này đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Box: Hiện nay ở Nghệ An, ngoài các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, hiện đại, được đầu tư bài bản của các tập đoàn lớn TH, Vinamilk với quy mô hàng ngàn con, có hơn 100 hộ dân nuôi trên 1.000 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở Tân Kỳ, TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu… Hầu hết các hộ nuôi bò sữa đều nhập sữa cho Nhà máy sữa Nghệ An (thuộc Công ty sữa Vinamilk) thông qua các trạm thu mua ở các địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.