Đổi đời nhờ lá vối

Thứ ba, ngày 28/09/2010 15:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo anh Thịnh, mỗi ngày vợ chồng anh thu được gần 200.000 đồng tiền lá. Tính sơ sơ, mỗi năm từ nghề tay trái này, anh thu về trên 40 triệu đồng.
Bình luận 0
img
Lá vối sau khi phơi khô được các tư thương đến lấy tận nhà.

Thuở ấu thơ anh Hoàng Ngọc Thịnh ở thôn Vĩnh An xã Cam Hiếu, Cam Lộ (Quảng Trị) mỗi trưa hè đều theo nội lên rừng Ba Thung hái lá vối về đun nước uống. Không ngờ thói quen đó 3 năm lại đây giúp anh trở thành triệu phú.

Anh Thịnh cho biết, ý tưởng làm ăn đến với anh thật ngẫu nhiên. Trong khi bám vào mảnh đất bao nhiêu năm rồi vẫn túng thiếu, anh chợt nhớ thời ấu thơ chợ phiên làng mình thường hay có những sạp hàng của các bà cụ bán lá vối.

Theo y thư cổ, nhân trần vị hơi đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, lợi thấp, lợi mật, được dùng để chữa các chứng hoàng đản, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp. Các loại bướm bạc chữa lợi tiểu, chữa ho, hen, gẫy xương, chữa tê thấp; chó đẻ chữa đau bụng, mụn nhọt, viêm da sẩn ngứa, sản hậu ứ huyết đau bụng, tưa lưỡi...

Những sạp hàng đó không còn nữa nhưng thói quen uống lá vối thì chưa mất đi ở người Vĩnh An. Anh bàn với vợ hái lá vối kiếm thêm thu nhập. Anh lên rừng cách nhà hơn chục km tìm những lá cây uống được mà ngày còn nhỏ bà nội anh gọi là cây thuốc nam, chặt mang về phơi khô rồi đem ra chợ bán.

Anh Thịnh tâm sự: Lúc đầu, vợ chồng tôi mang lá khô ra chợ phiên Cam Lộ bán, ít lâu sau bạn hàng từ Khe Sanh, Thừa Thiên -Huế tìm về đặt hàng.

Những cây thuốc nam như mắm nêm, nhân trần, chó đẻ, bướm bạc, lá vằng, đồng tiền… cứ hái về phơi khô là có người đưa xe đến chở. Loại lá này mọc tự nhiên, không sử dụng thuốc kích thích, trừ sâu, mà lại có công dụng chữa nhiều loại bệnh.

Theo thời giá bây giờ, 1kg lá khô ra chợ bán 5 - 8 nghìn đồng, riêng nhân trần 20.000/kg. Từ một chiếc xe đạp cọc cạch cách đây 5 năm, bây giờ gia đình anh đã xây được ngôi nhà khang trang, sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy, con cái được ăn học đến nơi đến chốn.

Ngoài nghề hái lá vối để bán, anh Thịnh còn ươm mầm những cây thuốc này trồng trong vườn nhà mình để phục vụ cho vườn thuốc nam của Trạm y tế xã. Ông Nguyễn Thông - Trạm Trưởng Y tế xã Cam Hiếu, cho biết: "Vườn cây thuốc nam của anh Thịnh rất phong phú, giúp ích rất nhiều cho công tác y tế trong lĩnh vực dùng thuốc nam. Đây là một mô hình cần nhân rộng".

Anh Thịnh cho biết, hiện anh đang xúc tiến xây dựng thương hiệu lá vối Cam Lộ để mở rộng thị trường vào các tỉnh phía Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem