Đòi hỏi dầu khí của Trung Quốc không có giá trị

Đăng Thúy – Vinh Hải Thứ ba, ngày 17/06/2014 17:14 PM (GMT+7)
“Trung Quốc đang cố tình, có chủ ý biến những vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp với các đòi hỏi phi lý”. 
Bình luận 0
Ông Nguyễn Quốc Thập – Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhận định như trên về hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và nhiều lần vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc cho rằng “57 lô dầu khí của Việt Nam tại các vùng biển tranh chấp” là hoàn toàn không có cơ sở và không có giá trị, bởi phía Trung Quốc đã dựa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý - điều mà cả thế giới không công nhận. Trên thực tế, tất cả các lô dầu khí Việt Nam đang khai thác đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Thập cho biết: “Trong hơn 40 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã triển khai bình thường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực Hoàng Sa và các vùng phụ cận”. Đến nay, Tập đoàn đã ký 100 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, trong đó 61 hợp đồng hiện đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000 km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000 km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan.

Sau khi Trung Quốc tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tiến hành làm việc với tất cả các công ty đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Thập cho hay: “Đây đều là các công ty lớn của Mỹ, Nga, Ấn Độ, … và chúng tôi đã nhận được các tín hiệu tốt từ họ. Tất cả đại diện của các công ty đều thể hiện rằng thông tin từ công ty mẹ khẳng định chia sẻ, ủng hộ lập trường, tuyên bố của Việt Nam. Họ khẳng định hoạt động dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hợp tác với các công ty là hoàn toàn hợp pháp. Họ sẽ tiếp tục thực hiện cam kết trong hợp đồng đã ký với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”. 

Ông Thập khẳng định: “Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vẫn đang có kế hoạch triển khai hoạt động dầu khí tích cực nhất dù Trung Quốc có tuyên bố này khác”.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng “con bài dầu khí” để vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ở các lần vi phạm trước đây của Trung Quốc, phía Việt Nam đã phản đối qua đường ngoại giao, đấu tranh và tuyên truyền trên thực địa. Dưới đây là một số vụ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam do Trung Quốc gây ra và đã bị Việt Nam phản đối, ngăn chặn:

XEM TIẾP: Điểm mặt 9 lần Trung Quốc dùng “con bài dầu khí” để vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem