Đời không có đường cùng

Chủ nhật, ngày 10/04/2011 21:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày mới xuất ngũ, cầm hồ sơ xin việc tới đâu người ta cũng lắc đầu, tôi đã từng bi quan nghĩ rằng, phải chăng những người như mình đã hết giá trị. Nhưng chính trong tình huống khó khăn nhất, tôi lại tìm được cho mình hướng đi...
Bình luận 0

Tôi nhập ngũ vào chiến trường miền Đông Nam Bộ năm 1966 khi vừa tròn 17 tuổi. 5 năm sau đó, bom đạn kẻ thù đã lấy đi vĩnh viễn của tôi cánh tay trái và con mắt phải. Phục viên với thương tật 71%, không việc làm, vợ con nheo nhóc, còn một con mắt với một cánh tay tôi xoay đủ thứ việc từ cào hến, mò cua đến dầm mưa đốn củi miễn là có được cái ăn.

img

Ông Trần Thiện Cơ đang xem lại danh sách học trò của mình.

Lần hồi mãi mà vẫn đói quanh năm, cùng đường, tôi đánh liều vay mượn sắm một bộ đồ nghề bơm vá sửa chữa xe đạp, lên cổng Bệnh viện Đa khoa Việt Trì dựng quán cầu may. Nhìn ông thương binh thiếu mắt, thiếu tay, nhiều người đem xe đến sửa e dè.

Thời gian đầu tôi bỏ cả ăn Tết ở nhà, phục vụ khách bất cứ lúc nào. Quán sửa xe đắt khách, trả được nợ, gom góp vốn, tôi về làng mở cơ sở rèn, gò nông cụ phục vụ bà con. Lò rèn của tôi dần khẳng định thương hiệu. Từ chỉ rèn những nông cụ dao, liềm, cuốc, xẻng, tôi làm cửa xếp, cửa hoa, thuyền đánh cá các cỡ...

Có nghề, kinh tế dần ổn định, ước mong được giúp đỡ những số phận tật nguyền hoàn cảnh éo le của tôi mới có cơ hội thực hiện. Tôi luôn trăn trở, phải làm sao để chứng minh được rằng, người khuyết tật vẫn tự nuôi sống được bản thân, vẫn làm được những việc có ích cho xã hội. Tôi lại một lần nữa “khăn gói” lên đường, không phải để mưu sinh mà để tìm bạn bè, đồng đội không may có con cái chịu di chứng bởi chất độc da cam đưa về nhà nuôi dạy các cháu học nghề rèn.

Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dìu dắt các cháu khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Tôi thường dạy các cháu rằng: “Người ta đã sinh ra đều có ích, trên đời này không có con đường cùng”. Học viên đến với tôi ngày càng đông, hầu hết các em đều là người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em các cựu chiến binh nghèo. Các em đến học không phải đóng một đồng học phí, trường hợp đặc biệt tôi nuôi ăn, mua cho quần áo.

Từ năm 1993 đến nay, tôi đã truyền nghề cho hơn 400 học trò. Sau mỗi khóa học, tôi tạo điều kiện cho các em thi lấy chứng chỉ, rồi liên hệ giới thiệu việc làm tại các công ty, cơ sở sản xuất chứ không để em nào phải bơ vơ ngoài đời... Rất mừng, học trò của tôi ra nghề đều có việc làm, thu nhập ổn định.

Năm nay tôi đã 63 xuân, niềm vui lớn nhất của tôi là trong số học trò mình dạy có những người trở thành giám đốc, quản lý doanh nghiệp, có những người thợ giỏi mở được xưởng riêng lại tiếp bước thầy dạy nghề miễn phí cho những người có cùng hoàn cảnh. Vui hơn, con trai lớn của tôi đã sang Lào lập nghiệp và cũng đang nối nghiệp bố dạy nghề miễn phí cho con em nước bạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem