Đổi mới ở miền duyên hải

Thứ tư, ngày 15/02/2012 11:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nằm ở miền duyên hải nhiều tiềm năng, huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã xác định hướng làm nông thôn mới cho riêng mình.
Bình luận 0

Làm đường, dồn điền

Ông Trần Minh Tiến- Trưởng phòng NNPTNT, Phó Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Tiền Hải cho biết: “Huyện có 1 xã điểm của tỉnh và 7 xã điểm của huyện, trong đó An Ninh là xã điểm của tỉnh, nên có nhiều điều kiện để hoàn thành sớm các tiêu chí. Khi bắt tay xây dựng NTM, An Ninh mới đạt 5 tiêu chí và hiện nay đã đạt 11 tiêu chí”. Theo ông Tiến, hiện huyện đã có 5 xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa, rút ngắn số thửa từ 5-7 thửa xuống còn 1-2 thửa/hộ.

img
Người dân xã An Ninh (Tiền Hải, Thái Bình) hăng hái xây dựng kênh mương nội đồng.

Phấn khởi vì không phải cày cấy trên những mảnh ruộng manh mún nữa, anh Lê Văn Hùng - một hộ dân ở xã An Ninh nói: “Nhà tôi có 4 sào ruộng, nhưng có tới 5 mảnh, ruộng nhỏ nên rất khó cày bừa bằng máy. Nay được dồn thành 2 thửa, vụ vừa rồi tôi giảm được khoảng 80.000 đồng/sào, do có máy cày bừa làm thay”.

Hiện, xã An Ninh đã hình thành 4 vùng sản xuất trọng điểm các giống lúa chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, Hương Thơm, BC15… và đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo thơm Thái Bình. Ngoài được tiếp nhận 14,1 tỷ đồng nguồn vốn của tỉnh, xây dựng 22 công trình, xã còn vận động con em xa quê ủng hộ được 30 tỷ đồng xây trường học, sân thể thao, nghĩa trang…

Là 1 trong 7 xã điểm của huyện, xã Vũ Lăng cũng đã có những chuyển biến tích cực sau hơn 2 năm xây dựng NTM. Ông Phạm Ngọc Bào- Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Vũ Lăng hiện đạt 9 tiêu chí. Việc dồn điền, đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi, giao thông nội đồng, chúng tôi ưu tiên hàng đầu, nhằm đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, với 4 vùng sản xuất (2 vùng lúa, 1 vùng màu và 1 vùng lúa – vụ đông). Vận động bà con góp công, hiến đất làm được 5km giao thông nội đồng, đưa 60ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung, với 7 trang trại được đầu tư quy mô lớn, có trang trại đạt 1,5 – 2 tỷ đồng/năm”.

Còn nhiều thử thách

Mặc dù hầu hết các xã đạt những tiêu chí nhất định, nhưng trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những tiêu chí thiếu khả thi, khó thực hiện. Ông Tiến nói: “Theo tôi, chúng ta cần phải thay đổi một số tiêu chí để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Nhiều địa phương cho rằng tiêu chí thu nhập cao gấp 1,5 lần trung bình của tỉnh là quá sức. Hay việc cứng hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhiều nơi thực hiện rất tốt, nhưng với xã An Ninh rất khó thực hiện, bởi kinh phí xây dựng rất lớn (khoảng 3 tỷ đồng/km đường, 1,5 tỷ đồng/km kênh mương), mà sức đóng góp của người dân thì có hạn”.

Không như các địa phương khác, Tiền Hải đã chọn phát triển nông nghiệp làm nền tảng trước, rồi mới tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông thôn mới.

Theo ông Tiến, những tiêu chí đó khó, ít khả thi nhất là tiêu chí về môi trường và chuyển đổi cơ cấu lao động chỉ còn 25% làm nông nghiệp. Ông Tiến phân tích: “Ở nông thôn, hệ thống cống, rãnh, bãi rác thải hạn chế, vả lại đa số các làng đều có làng nghề, việc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm là rất khó. Còn đưa 75% số lao động ra khỏi nông nghiệp là một việc làm vô cùng khó. Riêng An Ninh còn khoảng 65%, (hơn 3.000) lao động làm nông nghiệp, mặc dù chúng tôi đã có nhiều nỗ lực về dạy nghề đưa lao động vào các công ty, nhà máy, nhưng vẫn chưa ăn thua gì”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem