|
Khu sản xuất đá trang sức của cơ sở Bá Chuyên (thôn 10, Đông Hoàng, Đông Sơn). |
Nghề mới cho thu nhập cao
Gia đình chị Lê Thị Nhàn, thôn 6 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng thì mang bệnh, 3 con đang trong độ tuổi đi học, mình chị vừa phải cáng đáng mấy sào ruộng vừa tất bật chạy chợ vậy mà vẫn không đủ miếng cơm nuôi cả nhà. Tháng 7-2009 chị được tham gia lớp dạy nghề đá trang sức do Hội Nông dân huyện Đông Sơn tổ chức. 3 tháng sau, chị đã có thể làm nghề, giờ mỗi tháng chị có thu nhập ổn định từ 800.000-1,2 triệu đồng/tháng.
Chị Nhàn vui vẻ cho biết: "Từ ngày học nghề làm đá mỹ nghệ, tôi trở thành "công nhân" bán thời gian cho doanh nghiệp Duy Thành, thu nhập có thể trang trải thêm cho 3 con ăn học. Do công việc cũng đơn giản nên sắp tới đây có tiền tôi sẽ sắm cái máy mài đá về làm tại nhà để vừa có thời gian chăm chồng, tận dụng thời gian nông nhàn, cũng là để dạy cho mấy cháu học kiếm thêm ít tiền lúc rảnh rỗi".
Cũng như gia đình chị Nhàn, gia đình ông Phạm Hữu Kiên được liệt vào gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2003 ông là một trong số những người thợ đầu tiên tham gia làm nghề, giờ gia đình ông đã có của ăn của để, mua được xe máy và cho các con đi học.
Ông Kiên tâm sự: "Nhà làm nông nhưng thấy không hiệu quả, hai vợ chồng tôi xin đi mài đá trang sức cho hợp tác xã Bình Minh kiếm thêm đồng tiêu pha. Ngờ đâu, nghề phụ mà lại cho thu nhập chính nên gia đình đã thoát nghèo. Vừa rồi thằng con thứ 3 nhà tôi học hết lớp 9 tôi cũng cho cháu đi học nghề làm đá để về làm cùng bố mẹ. Sắp tới tôi cũng định mở cơ sở sản xuất luôn".
Ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm - Hội ND tỉnh Thanh Hoá cho biết, từ năm 2003 đến nay, tận dụng lợi thế là một nghề mới lại phù hợp với tình hình cụ thể của lao động địa phương, Trung tâm đã bảo trợ cho Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp với Hội Nông dân huyện mở 7 lớp dạy nghề chế tác đá trang sức cho lao động nông thôn và lao động nghèo trong huyện.
Nhờ vậy mà nghề này từng bước xâm nhập vào hai xã Đông Ninh, Đông Minh và hình thành cả một làng nghề chế tác đá trang sức rộng lớn.
Nhu cầu học nghề còn lớn
Con đầu nhà tôi đi may ngoài Hà Nội lương chỉ được 2,1 triệu đồng/tháng, lại phải chi tiêu nhiều khoản. Trong khi đó ở quê giờ làm nghề thu nhập cũng đâu có kém mà đời sống lại nhẹ nhàng hơn. Giờ nếu có lớp tôi cũng động viên cho cháu về học để làm nghề cho gần nhà.
Bà Nguyễn Thị Nga, thôn 6
Huyện Đông Sơn hiện có hàng trăm lao động đã được tham gia học nghề làm đá trang sức, nhưng nhu cầu học nghề của bà con vẫn còn rất cao. Dẫn chúng tôi đi thăm các hộ làm nghề, ông Hà Đình Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Sơn cho biết, không chỉ bà con tại địa phương có nhu cầu học mà nhiều nông dân các huyện khác cũng bày tỏ mong muốn được học nghề.
"Vừa rồi có nhiều huyện như Ngọc Lặc, Hoằng Hoá, Như Thanh... liên hệ với chúng tôi đặt hàng để mở lớp dạy nghề chế tác đá trang sức cho bà con nhưng thiếu thầy, thiếu lớp" - ông Hường nói.
Tìm hiểu tại một số cơ sở sản suất đá trang sức, các chủ cơ sở đều cho biết hiện nay nhu cầu của các cơ sở vẫn cần nhiều lao động do thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng và muốn mở rộng sản xuất. Tuy nhiên cái khó chính là nghề này đòi hỏi lao động phải có tay nghề nên muốn làm được việc lao động phải được đào tạo ít nhất 1-2 tháng.
Anh Lê Bá Chuyên - chủ cơ sở sản xuất đá trang sức (thôn 10, Đông Hoàng, Đông Sơn) trăn trở: "Thị trường của sản phẩm đá mỹ nghệ khá rộng mà chúng tôi lại gặp nhiều cái khó khi tổ chức sản xuất vì thiếu lao động, thiếu vốn và mặt bằng sản xuất. Có vốn, có mặt bằng chúng tôi sẽ trang bị thêm máy móc, đào tạo thêm lao động để mở rộng sản xuất. Giờ biết bà con muốn được học nghề, chúng tôi cũng đang cần lao động nhưng vì chưa có vốn, cơ sở nên đành chịu".
Không chỉ các cơ sở chế tác đá trang sức gặp khó khăn mà cơ sở dạy nghề cũng "lực bất tòng tâm". Ông Hường nói: "Hiện nay chúng tôi đã cố gắng hết sức để mở lớp dạy nghề cho bà con nhưng năng lực tài chính có hạn. Hy vọng sắp tới huyện triển khai Quyết định 1956/QĐ-TTg thì sẽ có nhiều lao động được đào tạo theo đúng nhu cầu và nguyện vọng của họ, góp phần xây dựng làng nghề tại vùng quê này".
Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.