Đối tượng cướp ngân hàng ở Nghệ An để trả nợ có thể bị xử lý thế nào?
Đối tượng cướp ngân hàng ở Nghệ An để trả nợ có thể bị xử lý thế nào?
Quang Trung
Thứ hai, ngày 05/02/2024 11:13 AM (GMT+7)
Đinh Khương Linh bị cáo buộc nợ tiền đánh bạc nên cầm dao xông vào phòng giao dịch Vietinbank ở thị xã Cửa Lò, cướp 46 triệu đồng. Hành vi này có thể bị xử lý thế nào?
Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ cướp tài sản tại chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) thuộc phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò.
Đối tượng gây ra vụ cướp là Đinh Khương Linh (SN 1986, trú tại xã Nghi Liên, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An). Linh là đối tượng đã có 2 tiền án.
Theo điều tra, khoảng 16h ngày 1/2, Linh bịt khẩu trang, mặc áo khoác, cầm dao xông vào phòng giao dịch đóng ở phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò, hô "tất cả đứng im", sau đó đe dọa nhân viên yêu cầu đưa tiền. Phòng giao dịch lúc này có khoảng 20 người, gồm khách hàng và các nhân viên.
Linh sau đó nhảy qua bàn giao dịch, cướp được 46 triệu đồng, chạy ra ngoài lái xe máy tẩu thoát về hướng TP Vinh. Nhân viên ngân hàng cùng bảo vệ đuổi theo nhưng được vài trăm mét thì mất dấu.
Nhiều lực lượng của Công an tỉnh Nghệ An được huy động chốt chặn mọi ngả đường truy bắt Linh. Đến 16h30 ngày 3/2, cảnh sát phát hiện Linh đang lẩn trốn gần quốc lộ 1 ở xã Nghi Diên, TP Vinh nên siết vòng vây, bắt Linh.
Công an cho biết ban đầu, Linh không thừa nhận là thủ phạm vụ cướp. Đến 5h30 ngày 4/2, Linh nhận tội, khai do tham gia đánh bạc trên mạng nên nợ nần nhiều người.
Trong lúc túng quẫn, hắn mang hung khí đến phòng giao dịch Vietinbank ở thị xã Cửa Lò để cướp.
Cướp ngân hàng bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này, theo thông tin ban đầu cho thấy đủ căn cứ để khởi tố đối tượng về tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự.
Đây là hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản, là hành vi điển hình của tội Cướp tài sản được mô tả theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự.
Theo đó Bộ luật hình sự quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý về tội danh này.
Như vậy, theo quy định, đây là tội danh có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và giá trị tài sản là bao nhiêu.
Bên cạnh đó, dao nhọn là hung khí nguy hiểm, đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa uy hiếp tinh thần của nhân viên ngân hàng để nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tiền hay chưa, cũng không phụ thuộc vào số tiền chiếm đoạt được là bao nhiêu.
Trường hợp đối tượng đã chiếm đoạt được một số tiền cụ thể, số tiền đó là căn cứ để định khung hình phạt chứ không phải là cơ sở để định tội.
Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, trường hợp chưa có tiền án, tiền sự, và số tiền chiếm đoạt dưới 50 triệu đồng, đối tượng có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 3 đến 10 năm theo quy định tại khoản 1, Điều 168 Bộ luật hình sự. Đây là khung phạt thấp nhất của tội danh.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân phạm tội, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, xác định hậu quả để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.