Dồn lực tăng chất hạt lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 15/03/2021 12:12 PM (GMT+7)
Nếu trước kia, cây lúa được xác định là sản phẩm chủ lực cần được ưu tiên hàng đầu ở ĐBSCL thì hiện nay được xếp đứng sau thuỷ sản và trái cây trong cơ cấu sản xuất.
Bình luận 0

Giảm diện tích, chú trọng chất lượng

Hiện nay, tại ĐBSCL, một số địa phương gần giáp biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... đã có những chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất lúa. 

Thay vì chỉ chuyên trồng lúa, thường bị thất mùa, giá bán thấp, bị hòa vốn thậm chí thua lỗ..., thì đã có nhiều nông dân chuyển sang trồng theo mô hình lúa - tôm kết hợp, mang lại thu nhập cao hơn, trung bình đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, nếu như năm 2015 toàn vùng mới có khoảng 120.000ha diện tích áp dụng mô hình lúa - tôm kết hợp. thì đến năm 2020 diện tích này đã lên đến 220.000ha, sản lượng đạt khoảng 84.700 tấn, trong đó nhiều nhất là Kiên Giang khoảng 100.000ha, Cà Mau hơn 38.000ha, Bạc Liêu hơn 57.800ha, Sóc Trăng khoảng 9.700ha.

Dồn lực tăng chất hạt lúa ĐBSCL  - Ảnh 1.

Nông dân sản xuất mô hình lúa - tôm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cây lúa của vùng ĐBSCL chiếm 54,3% diện tích sản xuất lúa cả nước, tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới như gạo ST25, ST24. Trong năm 2020, nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi khi đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước).

Đặc biệt, gần đây, số lượng diện tích trồng lúa chất lượng cao trong mô hình lúa - tôm kết hợp ngày càng nhiều, trong đó ưu tiên trồng giống lúa ST 24, ST 25. 

Cụ thể như tại HTX Nông nghiệp Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), ông Mã Văn Hồng - Giám đốc cho biết, HTX triển khai mô hình lúa - tôm kết hợp vài năm qua. Trong đó, giống lúa gieo sạ là ST 25, các doanh nghiệp đều hỗ trợ bao tiêu đầu ra, giá thành cao hơn lúa thường.

Còn ở tỉnh Bạc Liêu cũng đã có khoảng 3.500ha lúa ST sản xuất theo mô hình lúa - tôm kết hợp, tập trung nhiều nhất ở các huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai. Mô hình được ngành chức năng hỗ trợ chi phí giống và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang thông tin, trong giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển chuyển đổi 19.154ha lúa 2 vụ ven biển sang mô hình lúa - tôm, giá trị tăng thêm 35%. Đa phần diện tích trồng lúa chất lượng thấp đã chuyển sang lúa chất lượng cao.

"Thời gian qua, nhiều mô hình, sáng kiến mới ở tỉnh Kiên Giang ra đời, từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân trong bối cảnh mới, điển hình là mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh" - ông Bình nói.

Trao đổi với phóng viên, GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, từ khi có Nghị quyết 120, người dân đã có những chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất lúa, ở vùng đất nhiễm mặn đã có nhiều nơi không còn lúa vụ 3 vụ. 

Giờ đây, ĐBSCL đã gieo sạ nhiều giống lúa có chất lượng cao, có các giống gạo ST24, ST25 được xếp hạng ngon nhất nhì thế giới, được thị trường các nước rất ưa chuộng. Hơn nữa, gần đây, giá lúa gạo ở ĐBSCL rất cao, chứng tỏ vị thế của hạt gạo đồng bằng đã rất khác.

Xoay trục sản phẩm chủ lực

Dồn lực tăng chất hạt lúa ĐBSCL  - Ảnh 3.

Phát triển thủy sản đang được ưu tiên số 1 trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Ảnh: X.L

Vài năm trở lại đây, ở ĐBSCL, nhiều diện tích lúa được chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu hoặc nuôi thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Như tỉnh An Giang, trong giai đoạn 2017-2020 đã thực hiện chuyển đổi trên 25.000ha trồng lúa sang cây rau, màu và cây ăn quả. Chuyển đổi 4.917ha đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Số diện tích này phần lớn phục vụ các dự án nuôi thủy sản quy mô tập trung áp dụng công nghệ cao.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 được tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 13/3 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho hay, trước khi có Nghị quyết 120, ĐBSCL có 1,82 triệu ha diện tích lúa, 860.000ha diện tích thủy sản, 385.000ha diện tích cây ăn trái. Đến cuối năm 2020, sau khi kiểm tra lại, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích thủy sản tăng lên 900.000ha, diện tích cây ăn trái tăng lên 450.000ha.

Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Dựa vào tài nguyên nước và bối cảnh mới hiện nay, việc chuyển đổi diện tích trên là đúng hướng và mang lại hiệu quả cao. Năm 2016, xuất khẩu nông sản của ĐBSCL là 7 tỷ USD, đến năm 2020 đã tăng lên 8,8 tỷ USD.

Cũng theo ông Cường, về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nếu trước kia xác định các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL theo thứ tự ưu tiên là "lúa gạo - thủy sản - trái cây" thì hiện nay phải xoay trục theo hướng "thủy sản - trái cây - lúa gạo".

Lãnh đạo Bộ TNMT cũng cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, phải xoay trục theo hướng "thủy sản - trái cây - lúa gạo". Theo đó, cần tập trung tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản và trái cây, đồng thời giảm tỷ trọng lúa gạo.

Trong quá trình này, Bộ TNMT kiến nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, tích tụ đất đai hình thành các hộ nông dân sản xuất quy mô lớn, tổ chức nông hộ thành các HTX kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cần phát triển các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho vùng chuyên canh, các khu, cụm công nghiệp chế biến, các trung tâm dịch vụ hậu cần.

Trả lời phóng viên Báo NTNN về việc xếp cây lúa đứng sau thủy sản và trái cây trong cơ cấu sản xuất ở ĐBSCL, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: "ĐBSCL đã hình thành nhiều vùng cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản được chuyển từ đất lúa kém hiệu quả. Điều này là hoàn toàn hợp lý dựa trên những lợi thế đã có. Tuy nhiên, dù thế nào, cây lúa vẫn giữ một vị trí vô cùng quan trọng với người dân đồng bằng, không bao giờ bỏ được". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem