Sau 19 cái Tết được quây quần bên gia đình, người thân và bạn bè, năm nay với tôi là Tết xa nhà đầu tiên. Đặt chân lên nước Đức đã được 4 tháng, dù giờ đây đang bận rộn với những tiết học ở trường, với bài tập được giao hàng ngày, nhưng tôi vẫn luôn có một cảm giác thật đặc biệt trong những ngày lễ Tết. Nếu không phải xa nhà trong những ngày này, có lẽ tôi vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của ngày Tết - đó là ngày của sự đoàn tụ, quây quần bên gia đình êm ấm, hạnh phúc khi cùng những người thân yêu nhất đón khoảnh khắc giao thừa.
|
Bùi Vũ Anh tại Berlin, Đức |
Thèm lắm cái không khí Tết Hà Nội! Cái se se lạnh đặc trưng ngày Tết, với tôi, như một “đặc sản" khó mà tìm được ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới, với gió nhè nhẹ, với mưa bụi lất phất, với sự tấp nập, vội vã những ngày giáp Tết rồi đột ngột yên bình trong sáng mùng Một.
Không khí Tết, một không khí đặc biệt mà tôi có thể cảm nhận bởi đủ các giác quan: Ngửi thấy mùi hương trầm thoang thoảng đâu đây, ngắm sắc thắm của hoa đào, hoa mai, nghe được tiếng cười, tiếng nói, tiếng rộn ràng của phố phường, rồi nếm biết bao nhiêu món ngon ngày Tết với bánh chưng, xôi gấc, canh bóng... và nhiều thứ khác nữa, những thứ mà nếu thiếu đi thì Tết không còn là Tết.
Thật may mắn cho một du học sinh như tôi khi được học tập ở Berlin - một thành phố có khá đông người Việt Nam sinh sống tại Đức. Cảm giác nhớ nhà, nhớ Tết phần nào cũng bớt đi khi cùng các bác, các cô chú và bạn bè Việt Nam ở đây chuẩn bị Tết Nguyên đán. Dù không thể ăn Tết lớn như ở Việt Nam, song cảm giác trong tôi cũng thật đặc biệt và không kém phần háo hức.
|
Berlin là một thành phố có khá đông người Việt Nam sinh sống |
Với dân số trên 10.000 người, người Việt ở Berlin là một cộng đồng lớn và vững mạnh của thành phố. Berlin - đúng với mệnh danh của nó - "Multikulti", là một thành phố tập hợp người dân từ rất nhiều nước trên thế giới. Đi cùng với đó là văn hóa đặc trưng riêng của từng nước. Người Việt ở Berlin cũng vậy, họ mang theo văn hóa Việt Nam sang Đức, luôn bảo tồn, gìn giữ và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Trong không khí ngày Tết Nguyên đán - ngày lễ lớn nhất của người dân Việt Nam cũng như các nước châu Á, người Việt ở đây hàng nằm cũng làm lễ cúng và tổ chức đón giao thừa cùng bà con trong cộng đồng. Vì đang sống trên nước Đức nên việc ăn Tết không được kéo dài như ở quê hương, đa số bà con Việt chỉ làm lễ cúng tổ tiên vào đêm giao thừa (tất nhiên là theo giờ Việt Nam). Một vài gia đình cũng đưa con cháu đi chúc Tết người thân và bạn bè trong sáng mùng Một. Vì năm nay mùng Một Tết rơi vào thứ Hai đầu tuần nên đa số mọi người chỉ đón Tết trong ngày thứ Bảy (28 Tết) và Chủ nhật (29 Tết).
Trong những khu có người Việt sinh sống ở Berlin, có lẽ trung tâm mua bán "Dong Xuan center" là nơi tấp nập và rộn ràng nhất. Bước chân vào đây những ngày trước Tết, cảm nhận đầu tiên là một không khí chuẩn bị Tết Nguyên đán đầy náo nhiệt không thua kém gì ở quê nhà.
|
Đồ sắm Tết rất đa dạng có thể dễ dàng tìm mua ở khu hàng châu Á lớn nhất Berlin |
Ở khu hàng châu Á lớn nhất Berlin này, tất cả 9 Halle (9 Khu) đều có bày bán hàng Tết. Bên trong các siêu thị thực phẩm, khách hàng có thể tìm được tất cả những gì cần có cho ngày Tết, từ đồ được làm sẵn như bánh chưng, bánh dày hay hộp mứt Tết, hạt sen, ô mai, cho đến những thực phẩm tươi nguyên như giá, măng khô, măng tươi, lá dong.
Nhộn nhịp không kém còn có những cửa hàng bán đồ trang trí với tượng Phật hay tượng ba ông Phúc, Lộc, Thọ và những sạp báo có bày bán các ấn phẩm báo Tết của Việt Nam. Đa phần khách hàng trong chợ Đồng Xuân - Berlin những ngày này là người Việt Nam, Trung Quốc hay Đài Loan, tuy nhiên cũng có không ít người Đức vào đây xem hàng vì tò mò và thích thú trước không khí đón Tết Nguyên đán của người dân Châu Á.
|
Một cửa hàng trong khu chợ Đồng Xuân - Berlin bán lịch, vật dụng trang trí Tết và cả những đĩa hài xuân mới nhất |
Cô Hạnh, chủ một sạp báo trong khu Đồng Xuân cho biết, năm nào cô cũng cùng một vài gia đình chung nhau gói bánh chưng, năm nay cũng vậy, cô và mọi người đã chuẩn bị đầy đủ gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá dong. Cô cho biết thêm, tại Berlin có ba chùa của người châu Á, vì vậy giao thừa các năm nhiều người Việt ta cùng nhau lên chùa thắp hương, cũng là để gặp mặt nhau cùng chào năm cũ, chúc nhau năm mới với nhiều may mắn và thành công.
Chiều 29 Tết, không khí trong khu chợ vẫn tấp nập và đông người qua lại. Gác lại một năm kinh tế còn khó khăn, người Việt tại Berlin cùng hướng về quê hương, hướng về ngày Tết truyền thống của dân tộc với mong muốn sang năm mới Nhâm Thìn sẽ có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Bùi Vũ Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.