Clip quy trình chế biến, cấp đông múi sầu riêng của anh Phan Văn Dược.
Từ vụ sầu riêng nằm cả đống ở sân nhà
Đến trang trại của anh Dược vào những ngày đầu tháng 8, do ảnh hưởng của bão số 3 nên trên địa bàn huyện Đạ Huoai liên tục xuất hiện các cơn mưa lớn. Tuy nhiên, khi anh Dược dẫn phóng viên Báo Điện tử DANVIET.VN vào thăm xưởng chế biến của mình, chúng tôi vẫn thấy công việc của mọi người diễn ra tấp nập.
Rót ly trà nóng anh Dược nhớ lại những chuyện đã cách đây 21 năm. Đó là những ngày đầu, người con của đất Thái Bình lặn lội vào vùng đất Lâm Đồng với mong muốn lập nghiệp từ đôi bàn tay của mình. “Ngày đó, tôi cùng gia đình từ Bắc vào Nam, gia đình thì dừng lại ở Bình Thuận, còn tôi lại muốn ngao du sang tận Đăk Lăk, Gia Lai vì ngày đó giá cà phê rất được. Nhưng những năm đó hạn hán ghê lắm, thấy Đạ Huoai là nơi có nước nhiều nên tôi đã chọn vùng đất này để bắt đầu xây dựng cơ nghiệp”, anh Dược kể.
Anh Phan Văn Dược bên những quả sầu riêng trong trang trại của mình. Ảnh: Văn Long.
Những ngày đầu, mới mua được ít đất, lại một thân một mình nên anh Dược chỉ trồng được vài chục cây sầu riêng ghép. Dần dần, chàng thanh niên 26 tuổi mới mua được thêm những miếng đất đầu tiên và trồng đủ loại cây như cà phê, quýt, bưởi, cam, tiêu, điều nên thu nhập cũng dần ổn định.
“Hiện nay tôi có khoảng 7ha sầu riêng kinh doanh. Tuy nhiên, tôi phải mất 3 lần mới mua được hết diện tích này để chúng liền thổ. Đến năm 2014 khi sản lượng sầu riêng đạt và ổn định thì vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông đã khiến sầu riêng của địa phương không thể xuất đi được. Trước thì các thương lái tranh nhau mua, nhưng từ khi đó, sầu riêng nằm cả đống ở sân nhà nhìn mà xót ruột”, anh Dược nhớ lại giai đoạn khó khăn đó.
Từ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông, anh Dược đã bắt đầu nghĩ đến việc cấp đông sầu riêng của mình để đưa đi Hà Nội tiêu thụ. Ảnh: Văn Long.
Anh Phan Tân Phong (52 tuổi, anh Trai của anh Dược) tiếp lời: “Những ngày đó gia đình như điêu đứng, thỉnh thoảng lên phụ giúp em trai mình mà xót xa lắm. Sau khi thương lái không thu mua nữa, anh em anh Phong ngồi lại với nhau và bàn cách giải quyết”.
Anh Dược nhớ lại, năm 2013, anh có gói một múi sầu riêng vào trong túi ni lông rồi nhét vào ngăn đá của tủ lạnh. Cho đến gần 1 năm, khi dọn tủ gia đình anh còn tưởng là thịt nên bỏ ra ngoài để giã đông. Thế nhưng, khi kiểm tra lại mới biết là sầu riêng đã quên từ lâu, ăn thử thì múi sầu riêng vẫn rất ngọt và ngon. Khi đó, chúng tôi mới nảy ra ý định cấp đông những múi sầu riêng để đi bán. Ngay sau đó, chúng tôi đã làm thử rồi mang mẫu đi kiểm định thì chất lượng sản phẩm vẫn giữ nguyên so với ban đầu.
Mời phóng viên DANVIET.VN miếng sầu riêng ngọt, thơm lừng của trang trại, anh Phong kể: “Những ngày đầu, đi bán được thùng sầu riêng thì phải nói khó khăn vô cùng. 9h tối, trời mưa tầm tã, anh em tôi chở 2,5 tạ sầu riêng múi cấp đông đầu tiên từ Đạ Huoai ra đến QL1A để đưa lên xe cấp đông chuyển ra Hà Nội tiêu thụ thăm dò thị trường. Ngày đó, đường đi toàn là đất nên vận chuyển rất khó khăn. Nghĩ lại thấy mình cũng kiên trì mới làm được sầu riêng đến giờ”.
Những ngày đầu, anh em anh Phan Văn Dược phải rất khó khăn mới bán được mẻ sầu riêng cấp đông đầu tiên. Ảnh: Văn Long.
Thế là những múi sầu riêng từ Nam đã chuyển được ra Bắc. Khó khăn nhất là việc gửi ở các cửa hàng nhờ tiêu thụ. Anh Phong cũng cho biết, các anh phải để ở các cửa hàng để khách dùng thử mà chưa nói đến việc giá cả tiền bạc. Khoảng 1 tuần sau, anh nhận được tin vui là số lượng sầu riêng chuyển ra được người mua đánh giá cao và tiêu thụ hết.
Từ 2014 đến nay, sản lượng cũng như diện tích sầu riêng của gia đình anh Dược ngày càng tăng lên. Hiện tại, anh Dược đã thành lập Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai với thương hiệu sầu riêng Minh Hoàng Khôi có tiếng tại thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng. Với 10 thành viên cùng hơn 15ha sầu riêng kinh doanh, mỗi năm HTX sản xuất được từ 20 – 30 tấn sầu riêng múi.
Đến doanh thu 7 tỷ mỗi năm
Hiện nay, cơ sở của anh Phan Văn Dược mỗi năm xuất ra thị trường từ 20 - 30 tấn sầu riêng cấp đông, chủ yếu cho thị trường Hà Nội. Ảnh: Văn Long.
Dẫn PV đi tham quan vòng quanh khu chế biến sầu riêng khép kín của mình, anh Dược cho biết, phải mất nhiều công sức anh mới hoàn thiện được quy trình này. Sắp tới anh sẽ tiếp tục điều chỉnh một số hạng mục để nâng cấp xưởng. Hiện nay, sản phẩm của anh không đủ cung cấp cho thị trường mặc dù có nhiều đơn vị đặt hàng.
“Trang trại hoạt động khép kín từ khi hái sầu riêng đến khi thành phẩm và đưa ra thị trường. Với các tổ làm việc khác nhau, khi sầu riêng đã già thì tổ hái tiến hành thu hoạch rồi đưa về xưởng để vệ sinh bên ngoài. Toàn bộ được rửa bằng áp lực từ vô số các vòi nước do tôi thiết kế trong hệ thống tự động. Sau đó, những quả sầu riêng này sẽ được phân loại và đưa vào những lồng sắt để ủ chín. Tiếp theo, những quả sầu riêng đạt chuẩn được đưa đến phòng bóc tách, lấy múi rồi sơ chế, đưa vào kho lạnh cấp đông làm cứng phần thịt trên múi sầu riêng. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra đóng gói vào những bao bì có trọng lượng 0,5kg rồi chuyển lại vào kho đông lạnh ở nhiệt độ -20 độ C chờ đưa ra thị trường”, anh Dược vừa làm vừa giới thiệu quy trình sản xuất sầu riêng múi của gia đình mình.
Sầu riêng sau khi thu hoạch về sẽ được vệ sinh bằng hệ thống tự động do anh Dược chế tạo. Ảnh: Văn Long.
Với phần vỏ, HTX đã dùng máy băm để cắt nhỏ, dùng phân vi sinh ủ rồi sử dụng làm phân bón cho chính những cây sầu riêng trong vườn. Với quy trình khép kín này, mỗi năm HTX sản xuất và đưa ra thị trường từ 20 – 30 tấn múi sầu riêng thành phẩm, mang về lợi nhuận trên 7 tỷ đồng. Hai sản phẩm chủ lực của HTX là sầu riêng nguyên chất dùng làm bánh kẹo và sầu riêng múi cấp đông.
Anh Dược cho biết, khoảng 4kg sầu riêng quả mới chế biến được 1kg múi thành phẩm. Sản phẩm của anh có lợi thế rất cao là khi hết mùa sầu riêng nhưng anh vẫn có hàng để cung cấp cho nơi khác. Hiện tại, trong cơ sở của anh Dược có 2 kho trữ, 2 kho cấp đông, sản phẩm chủ yếu được xuất bán tại thị trường Hà Nội. Được biết, tại Lâm Đồng hiện tại chưa có đơn vị, cá nhân nào có công nghệ cấp đông múi sầu riêng như của anh Dược.
Những múi sầu riêng sau khi cấp đông cứng múi sẽ được đóng gói rồi hút chân không đưa vào kho đông lạnh với nhiệt độ -20 độ C. Ảnh: Văn Long.
Sắp tới anh Dược sẽ tìm hướng đi mới bằng cách sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ và sinh học để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, anh cũng mong muốn địa phương hỗ trợ, giúp đỡ để mở rộng cũng như hoàn thiện hệ thống sản xuất sản phẩm sầu riêng cấp đông của mình.
Hiện toàn huyện Đạ Huoai có khoảng 2.700ha sầu riêng và diện tích cho thu hoạch là 2.000ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn. 90% diện tích sầu riêng ở địa phương này là ghép các giống mới có giá trị kinh tế cao. Tuy các vùng khác tại Lâm Đồng cũng có diện tích lớn như huyện Bảo Lâm, Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Tẻh nhưng chất lượng và sản lượng cao nhất tỉnh vẫn là huyện Đạ Huoai.
Với những thành tích trong lao động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh và đóng góp trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững", ông Phan Văn Dược đã vinh dự nhận được nhiều hình thức khen thưởng của UBND tỉnh Lâm Đồng, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng. Ông Phan Văn Dược là nông dân tỉnh Lâm Đồng được bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2019 tại thủ đô Hà Nội. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.