Ông Lý Phủ Siêu - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn giới thiệu: "Tả Phìn có 2.300 nhân khẩu, trong đó, 98% là đồng bào Dao, Mông. Năm 2010, xã vẫn còn có 390 hộ nghèo (theo chuẩn mới), trong đó khoảng 30 hộ đói giáp hạt từ 3 - 5 tháng/năm". Từ khi Hội ND xã Tả Phìn chọn nghề dệt thổ cẩm, trồng phong lan và nghề thuốc lá tắm gia truyền tổ chức dạy cho bà con, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Cả nhà có việc làm
|
Bà Lý Mẩy Chạn - Chủ tịch HĐQT Công ty Napro pha chế thuốc tắm cho khách. |
Ông Lý Phù Kinh - Chủ tịch Hội ND xã Tả Phìn cho biết: "Từ năm 2009 đến nay, xã đã mở 3 lớp dạy dệt thổ cẩm, đào tạo nghề cho gần 300 nông dân, đến nay đã có 420/485 hộ làm nghề dệt thổ cẩm. Từ khi có nghề dệt thổ cẩm, nhiều hộ đã thoát nghèo, con em không còn phải bỏ học để bám theo khách du lịch bán hàng như trước".
Với bàn tay khéo léo, nhiều người đã thêu dệt thành mũ, khăn, túi… bán cho khách du lịch, mỗi ngày thu từ 60 - 80 nghìn đồng. Em Lý Mẩy Chiệm, bản Tả Chải chia sẻ: "Em mới học dệt thổ cẩm nên làm cái khăn, cái túi chưa đẹp! Dệt thổ cẩm không được nhiều tiền, nhưng ổn định và không nặng nhọc như đi phát nương, lấy củi".
Tả Séng là bản có số người theo nghề thổ cẩm nhiều nhất, với gần 100 hộ. Bà Chảo Sử Mẩy, nhóm trưởng Câu lạc bộ Phát triển nghề thổ cẩm bản cho biết, trước chưa được học nghề thổ cẩm, thu hoạch lúa xong là bà con lại lên rừng chặt củi, làm rẫy để sinh sống. Vì không có nghề phụ, cuộc sống phụ thuộc vào thiên nhiên, nên cả bản đói quanh năm. Bà Tẩn Sử Mẩy, nhà có 7 miệng ăn, nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Năm 2009, bà Tẩn Sử Mẩy được Hội ND dạy nghề và bà đã truyền lại cho 5 người con. "Trước kia nhà mình nghèo lắm. Từ khi học nghề dệt thổ cẩm, cả nhà ai cũng có việc, nên không còn lo cái đói nữa. Năm ngoái nhà mình đã mua được xe máy rồi đấy" - bà Mẩy khoe.
Lập công ty thuốc tắm lá
Từ khi học nghề dệt thổ cẩm, cả nhà ai cũng có việc, không còn lo cái đói nữa. Năm ngoái nhà mình đã mua được xe máy rồi đấy.
Bà Tẩn Sử Mẩy
Với lợi thế nằm trong vùng du lịch Sa Pa, thừa hưởng bài thuốc tắm lá của người Dao đỏ và để quảng bá, giúp người dân làm giàu từ nghề thuốc này, chính quyền, Hội ND xã Tả Phìn đã giúp bà con dân tộc Dao, Mông thành lập "Công ty cổ phần kinh doanh các phẩm bản địa Sa Pa- Napro", chuyên kinh doanh thuốc tắm lá. Công ty hoạt động theo phương thức, các hộ đóng góp cổ đông và hưởng theo phần trăm cổ phần. Việc thành lập công ty, ngoài ý nghĩa quảng bá bài thuốc độc đáo của dân tộc Dao còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập từ 100 - 120 nghìn đồng/người/ngày.
Anh Lý Láo Lở - Giám đốc công ty cho biết: "Hiện có hơn 40 hộ đóng cổ phần. Cây thuốc ngày một hiếm, chúng tôi đã trồng gần 10ha cây thuốc để ổn định nguồn hàng. Tới đây, công ty sẽ mở thêm dịch vụ tắm thuốc lá ở Sa Pa để tạo việc làm cho bà con". Bà Tẩn Sử Mẩy, một cổ đông phấn khởi: "Trước kia mình đi lấy cây thuốc về tắm chứ không bán được. Giờ có công ty mua, mình đi lấy về bán, mỗi ngày được 150 - 200 nghìn đồng".
Ngoài nghề truyền thống, Hội còn dạy bà con trồng hoa lan. Tả Phìn hiện có khoảng 30 hộ trồng lan, mỗi năm bán ra thị trường hàng chục ngàn chậu lan, giá 150-250 nghìn đồng/chậu. Hàng chục hộ trồng lan như Giàng A Từ, Lý Phù Báo, Vàng A Lìa… không chỉ thoát nghèo mà đã thu hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Nguyễn Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.