“Đến năm 2015, nếu dòng họ Nguyễn và Cao không tìm được thấy ngọc phả, dòng họ Ma sẽ được ghi nhận là dòng họ lâu đời nhất ở Việt Nam”.
Sứ quân Kiều Thuận và câu chuyện Ma tộc, Ma thành
Gần ngày giỗ Tổ, về đất Tổ thăm thú, chúng tôi được nghe kể nhiều về dòng họ duy nhất ở Việt Nam giữ ngọc phả từ thời Hùng Vương. Từ những câu chuyện quán nước ấy, chúng tôi đã đi tìm ông Ma Ngọc Bảo-Trưởng tộc Ma đời thứ 77 và được nghe ông kể lại những câu chuyện có lẽ là “vô tiền khoáng hậu”.
|
Ông Ma Ngọc Bảo. |
Nhà ông Bảo tương đối khang trang ở khu 18, phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì, ông trông trẻ và khỏe hơn hẳn ở độ tuổi 78. “Lịch sử họ Ma đã trải qua hơn 2.500 năm lịch sử- từ thời Hùng Duệ Vương chi 18 họ Hùng, thuộc nhà nước Văn Lang. Cụ tổ đời thứ 43 Ma Xuân Trường (930-966) cũng đã trải qua hơn nghìn năm lịch sử” - câu chuyện của chúng tôi với ông Ma Ngọc Bảo đã bắt đầu như thế.
Để chứng minh mình nói có sách, mách có chứng, ông Bảo đã đưa chúng tôi xem bản sao của “Ngọc phả Ma tộc”. Bản gốc thì tất nhiên ông phải giữ như bảo vật mà theo lời ông thì: “Bố tôi khi soạn ra bản gốc, cụ không cho ai chạm vào. Khi cụ mất, tôi mới được xem và phải giữ gìn cẩn thận”. Cẩn thận cũng phải bởi đây là tài liệu thực sự quý giá không chỉ xét trên khía cạnh gia phả.
Theo tài liệu của ông Bảo cung cấp, họ Ma là người dân tộc Tày, định cư chủ yếu ở vùng núi Đọi, ven sông Thao, nay thuộc đất Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Cụ tổ Ma Khê là người tài đức song toàn, lập nên nhiều công trạng. Người dân bộ tộc núi Đọi tự hào về ông và mảnh đất họ sinh sống cũng được mang tên Ma Khê. Đến đời thứ 43 của dòng họ Ma, cụ tổ đời thứ 43 Ma Xuân Trường văn võ song toàn đã giúp dòng tộc rạng danh, vào thời điểm nhà Ngô tan rã, đất nước rơi vào cảnh loạn 12 sứ quân.
Trong số 12 sứ quân có sứ quân Kiều Thuận nguyên là tướng của nhà Ngô, trấn thủ phía Bắc đóng quân ở thành nhà Hồi Hồ, vốn là bạn thân thường vẫn giao tế với tộc trưởng Ma Xuân Trường. Kiều Thuận là hào kiệt, là sứ quân mạnh nhất chống lại quân của Đinh Bộ Lĩnh. Đến khi thất bại, Kiều Thuận sai tướng tâm phúc đưa mẹ và vợ sang Ma thành gửi tộc trưởng Ma Xuân Trường để lánh nạn. Sau đó, khi thua chạy về thành Hưng Hóa, Kiều Thuận lại cho tướng tâm phúc đến cầu cứu viện.
Nhờ quân binh Ma tộc cứu, đánh đến đâu tan đến đó nên Kiều Thuận được cứu về Ma thành. Lúc này, Kiều Thuận đã bị thương nặng, Ma thành bị bao vây chặt chẽ nên không thể chống lại Đinh binh. Tộc trưởng Ma Xuân Trường cùng dân binh Ma tộc địch không nổi phải chạy đi nhiều nơi. Toán chạy lên vùng thượng du, toán chạy ngang sang vùng sông Đà, toán chạy qua vùng sông Lô lên Tuyên Quang, Hà Giang. Có toán chạy lên thượng nguồn sông Thao...
Riêng tộc trưởng Ma Xuân Trường cùng một số gia tướng, gia đình chạy lên vùng Yên Bái. Vì bị nhiều thương tích nên đến cây Đa Tuần Quán (Yên Bái) thì Ma Xuân Trường qua đời vào mờ sáng ngày mùng 6 tháng Giêng năm 966...
Cho chúng tôi xem “Ngọc phả Ma tộc” đến đây, ông Bảo khẳng định: “Họ Ma có nguồn gốc lâu đời, trải qua 2.243 năm kể từ đời cao tổ Ma Khê đến năm 1945 trước cách mạng tháng Tám thành công, đã thay đổi tới 76 đời tộc trưởng, ông cha chúng tôi đều là người”.
Dòng họ sở hữu ngọc phả từ thời Hùng Vương?
Với niềm tự hào không giấu giếm, lần giở những trang viết trên ngọc phả được cha mình truyền lại, ông Ma Ngọc Bảo bộc bạch: “Tôi giờ có cháu nội rồi. Tính đến đời cháu nội tôi thì dòng họ Ma đã tồn tại được 79 đời. Đến đời tôi, dù bị thất lạc nhiều, thân sinh của tôi là cụ Ma Văn Thực (1917- 2004) đã lưu lại được nhiều tư liệu quý giá và chuyển sang chữ quốc ngữ”.
Ông Ma Ngọc Bảo nói: “Hiện nay, nhiều người thuộc dòng họ Ma do hiểu biết chưa đúng hoặc nghĩ họ “Ma” là xui xẻo nên đã đổi họ. Nhưng, tôi khẳng định, lịch sử một dòng họ vẫn còn đầy đủ ngọc phả chứng nhận đây là dòng họ có từ thời Hùng Vương. Vậy nên, theo tôi, dòng họ Ma trên bờ cõi nước Việt phải thấy tự hào vì điều đó”.
Cái “quý giá” mà ông Bảo nhấn mạnh không chỉ là gia phả của dòng tộc mà đấy thực sự là tư liệu quý của một phần lịch sử Việt Nam. Trong tham luận “Sứ quân Kiều Thuận- Danh nhân lịch sử” do chính tay ông Bảo chấp bút trình bày tại một hội thảo khoa học lịch sử tổ chức ở Phú Thọ mới đây, có đoạn:
“Dòng họ Ma phát triển lên phía Bắc để bảo vệ vùng biên ải, khai thác tài nguyên, phục vụ đời sống cho dân binh. Các cụ đã lấy 2 căn cứ luyện quân cho 2 hướng là Lục Yên Châu cho Thao giang và Chiêm Hóa Na Hang cho Lô giang.
Hiện nay, 2 vùng trên và rải rác tuyến biên giới vẫn có con cháu Ma tộc cư trú, làm ăn, sinh sống. Trong thị xã Phú Thọ, khi nhiều người đào giếng và móng xây nhà vẫn còn thấy những viên gạch cổ to bằng viên đá ong nung chín như sành. Đó chính là dấu tích của gạch xây trên tường thành còn sót lại”.
Đầy tự hào về dòng tộc của mình, ông Bảo cho biết: “Tôi thấy rất lạ khi nhiều chi trong họ đổi thành họ Mai hoặc các họ khác chứ không còn giữ họ Ma. Đây là điều tối kỵ bởi đến nay, tộc trưởng họ Ma vẫn thờ cúng các bậc tiền nhân tại đền Trù Mật, thị xã Phú Thọ”.
Long Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.