Động lực từ làm cánh đồng mẫu lớn

Thứ tư, ngày 18/09/2013 09:23 AM (GMT+7)
Lấy dồn điền đổi thửa (DĐĐT) làm nền tảng để triển khai cánh đồng mẫu lớn (CĐML), tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp tăng thu nhập của người dân... Đó là cách xây dựng nông thôn mới ở huyện Trực Ninh.
Bình luận 0
Trung bình 1,75 thửa/hộ

Nằm cách TP.Nam Định khoảng 16km, huyện Trực Ninh có điều kiện khá thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, như kênh mương nhiều, tưới tiêu thuận lợi, đồng đất bằng phẳng… Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương ở miền Bắc, đồng ruộng tại đây vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết các hộ đều có 4 – 6 thửa nên khó triển khai sản xuất lớn, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp. Năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, huyện đã xác định phải ưu tiên cho việc DĐĐT để hình thành CĐML, các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa… nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.

Hầu hết các tuyến đường trục chính liên xã, thôn ở Trực Ninh đã được trải nhựa, bê tông hóa (chụp tại xã Trực Hưng).
Hầu hết các tuyến đường trục chính liên xã, thôn ở Trực Ninh đã được trải nhựa, bê tông hóa (chụp tại xã Trực Hưng).

Ông Vũ Quang Định – Trưởng phòng NNPTNT huyện Trực Ninh cho biết, huyện có 7 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 1 (2010 – 2015) gồm: Trực Hưng, Trực Hùng, Trực Đại, Trực Thanh, Việt Hùng và Trung Đông. “Hiện chúng tôi đã thực hiện DĐĐT, giao đất đến từng hộ thuộc 391 thôn xóm, trung bình còn 1,75 thửa/hộ, trong đó có nhiều hộ chỉ còn 1 thửa”– ông Định nói.

Cũng theo ông Định, sau khi DĐĐT, huyện đã tích cực đưa máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn… vào sản xuất. Nếu năm 2012, huyện mới có 7 mô hình CĐML, diện tích 392ha thì năm 2013 đã tăng lên 28 mô hình, trong đó có 27 mô hình cấy lúa, 1 mô hình trồng màu, với diện tích hơn 1.200ha. Những mô hình này đã góp phần tăng giá trị thu nhập lên 15 – 20% so với trước, giảm gần 20% chi phí sản xuất… Ông Nguyễn Văn Hào – Phó Chủ tịch UBND xã Trực Hưng, một trong những nơi thực hiện tốt việc DĐĐT, cho biết: “Khi bắt tay vào triển khai DĐĐT, xã cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ tuyên truyền, vận động tốt nên người dân đã hiểu ra và ủng hộ”.

Cần hỗ trợ thêm

Ngoài đột phá trong DĐĐT, Trực Ninh cũng đang đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Chỉ tính riêng 7 xã điểm giai đoạn 1, đến nay đã có 71 công trình hạ tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng đầu tư gần 165 tỷ đồng như trụ sở UBND, nhà văn hóa, chợ… Ngoài ra, các xã cũng đã bê tông hóa được 146km kênh mương, 35km đường liên xã, thôn. Theo khảo sát, hầu hết các xã đã đạt từ 9 – 16 tiêu chí, trong đó xã Trực Nội đạt 16/19 tiêu chí.

Ông Nguyễn Văn Hào cho biết: “Hiện xã Trực Hưng mới đạt 10/19 tiêu chí, 9 tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, cần nhiều tiền như: Thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập... Nếu không có hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi rất khó hoàn thành đúng kế hoạch”.


Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Hà– Chánh văn phòng Huyện ủy Trực Ninh, việc xây dựng NTM ở Trực Ninh đang bị chững lại, bởi mức đầu tư của các xã, nhất là các xã điểm quá lớn để hoàn thành các tiêu chí, trong khi nguồn lực địa phương thì có hạn, tiền hỗ trợ của nhà nước vừa nhỏ giọt, vừa giải ngân chậm. “Theo tôi, Nhà nước cần tăng mức hỗ trợ, nhất là cho các xã điểm”. ông Hà nói.
Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem