Ngày 26/7, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Phương Hải (ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) chủ 2 trang trại gà tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện nay trang trại của ông đang bị tồn 170.000 con gà đủ tuổi xuất chuồng.
Theo ông Hải, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các chợ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, lò mổ đều phải đóng cửa. Hơn nửa tháng nay, gà trong trang trại của ông không bán được và bị chết nhiều, khiến ông bị thiệt hại nặng nề.
"Mỗi ngày, trang trại của tôi chết khoảng 400-500 con gà. Trong đó, có chuồng chết vài chục con, có chuồng chết vài trăm con. Nguyên nhân vì gà đến tuổi xuất chuồng nhưng không bán được, chen chúc nhau, nắng nóng, không ra được máng ăn khiến nhiều con dẫm đạp lên nhau rồi chết" – ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết thêm, hiện tại, nguồn cung đang rất dồi dào nhưng khâu giết mổ lại bị đứt gãy.
Trong đó, các lò mổ lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và các địa phương khác hoạt động lẻ tẻ hoặc ngưng hoạt động do dịch Covid-19...
Vì vậy, khoảng cách từ trang trại đến người tiêu dùng ngày càng xa, trong khi trại thì đầy gà, vịt, heo còn người thành phố mua hàng hoá nhu yếu phẩm, thực phẩm lại không có để mua hoặc phải mua với giá đắt đỏ.
"Tôi rất sốt ruột nhưng không biết làm thế nào. Đợt này, thời tiết cũng khắc nghiệt, lúc nắng nóng, lúc lại mưa đột ngột nên gà không thích nghi kịp, yếu và dễ chết hơn. Tình hình này cứ kéo dài, có khi cả trại gà của tôi đội nón ra đi mất", ông Hải nói.
Hiện, giá gà tại trại chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg có nơi 9.000 – 10.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua vì khó khăn trong vận chuyển.
Trong khi đó, giá thành chăn nuôi khoảng 28.000-29.000 đồng/kg. Giá thành cao nhưng giá bán thấp khiến nhiều người chăn nuôi phải ôm thua lỗ.
Theo ông Hải, 2 trại gà của ông ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đã lỗ lên đến hàng tỷ đồng nên ông rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm có phương án hỗ trợ người chăn nuôi.
Ông Hải kiến nghị ngành chức năng sớm cho hoạt động lại các lò giết mổ trong điều kiện phòng, chống dịch hoặc mở thêm các trung tâm giết mổ để giải quyết tạm thời khâu sơ chế trước mắt.
Về lâu dài cần có các nhà máy chế biến sâu tại các địa phương thì thị trường thịt gia cầm mới có thể ổn định, đời sống người chăn nuôi mới được đảm bảo.
"Giờ ai cũng có nỗi khổ riêng, nông dân không bán được gà còn người tiêu dùng lai phải mua gà với giá đắt. Hy vọng thị trường sớm ổn định để đảm bảo cuộc sống người dân", ông Hải nói.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai, cho biết, hiện người chăn nuôi gà trắng đang chấp nhận chịu lỗ và lượng tiêu thụ gia cầm toàn tỉnh giảm. Để giải quyết tình trạng trước mắt, các bên liên quan đang kêu gọi chợ đầu mối, chợ truyền thống mở lại hoặc thực hiện kênh phân phối trực tiếp.
Clip: Công nhân trang trại gà của ông Hải tập kết gà để xử lý tiêu huỷ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.