Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tình trạng gia tăng tội phạm công nghệ cao, tội phạm ngân hàng và hoạt động lừa đảo trên không gian mạng một trong các nội dung đáng chú ý tại phiên chất vấn ở Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Đồng Nai, ngày 17/7
Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Nga cho biết, Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng tổ chức tín dụng đặt trụ sở hoạt động đứng đầu cả nước; với 61 chi nhánh thuộc 42 hệ thống ngân hàng, 232 phòng giao dịch trực thuộc, 34 Quỹ tín dụng Nhân dân...
Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng tinh vi. Ngành công an cũng tăng cường các hoạt động phòng, chống.
Song thực tế cho thấy số lượng các vụ vi phạm, số nạn nhân bị lừa đảo vẫn tăng, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến cho người dân rất lo lắng, bức xúc.
Mới đây nhất là vụ án nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo lấy đi hơn 171 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành tiếp nhận, xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó tội phạm công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 76 vụ (chiếm tỷ lệ gần 61%), số tiền bị chiếm đoạt trên 325,4 tỷ đồng. Ngành công an đã điều tra, làm rõ 4 vụ, 14 đối tượng (đạt tỷ lệ hơn 5%).
Đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai Hồ Sĩ Tiến đánh giá, tỉ lệ điều tra làm rõ đối với tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ đạt 5% là rất thấp, trong khi số vụ tồn quá cao.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai giải thích, tỷ lệ điều tra làm rõ thấp do nhiều nguyên nhân. Trong đó, các đối tượng, tổ chức tội phạm đặt trụ sở ở nước ngoài, điều hành qua trung gian nên khó xác định vai trò, vị trí của các đối tượng.
Nếu là một vụ trộm cắp, lực lượng công an có 1-2 tiếng để đến hiện trường thì ở trên không gian mạng hoàn toàn không hề có dấu vết. Việc hợp tác của người bị hại cũng khó khăn do không nắm rõ thông tin đối tượng lừa đảo để khai báo.
Theo đại tá Nguyễn Hồng Phong, người dân và kể cả cán bộ cũng còn khá thờ ơ trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Nhiều người rất dễ dãi trong việc cung cấp các thông tin, số điện thoại mà không cần thẩm định.
Ông Tạ Quang Trường – Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh cho rằng, các thủ đoạn tội phạm công nghệ cao ngày càng lừa đảo nhanh hơn, hiệu quả hơn và giá trị thiệt hại ngày càng lớn.
Xu hướng chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong việc thúc đẩy xã hội số thì cần có công dân số. Tỉnh Đồng Nai phải tiếp tục trang bị "vaccine số" cho toàn thể công dân số của tỉnh.
Sở Thông tin Truyền thông có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng nhóm đối tượng người dân cụ thể về từng hành vi, cách thức phạm tội cụ thể, ông Trường chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai cũng cho biết, các loại tội phạm công nghệ cao sẽ tiếp tục tập trung vào những người thờ ơ bảo mật thông tin, những người còn còn hạn chế về công nghệ, cũng như những người hay tin tưởng vào việc nhẹ mà lương cao.
Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người dân trong tỉnh.
Để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị người người dân thực hiện 4 không, 2 phải.
Trước hết là không sợ. Đối tượng giả danh, đe dọa là công an, là viện kiểm sát thì người dân gọi ngay theo đường dây nóng Công an tỉnh cung cấp hoặc gọi cho Công an xã.
Thứ hai là không tham; thứ ba là không kết bạn với người lạ; và thứ tư là không chuyển khoản nếu không biết rõ người mà mình đang giao tiếp là ai.
Người dân thực hiện 2 phải tức là phải cảnh giác và phải trình báo nhanh cho cơ quan chức năng. Đồng thời coi trọng giải pháp sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng mà ngành đang triển khai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.