Đồng Nai: Nông dân quay lưng với cây mía, tỉnh "đau đầu" tìm giải pháp cứu

Nha Mẫn Chủ nhật, ngày 28/03/2021 19:00 PM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, nghề trồng mía và sản xuất mía đường ở Đồng Nai gặp vô vàn khó khăn do giá mía giảm mạnh, nông dân không có nơi tiêu thụ,… Các cơ quan chức năng Đồng Nai đang đau đầu tìm cách “cứu” cây mía.
Bình luận 0

Ngành mía đường khó khăn chồng chất

Thời gian qua PV báo Dân Việt, thường xuyên nhận được những chia sẻ của nông dân Đồng Nai về các khó khăn liên quan đến cây mía. Nhiều nông dân vì không thể tiếp tục "cầm cự" nên đã cự tuyệt với cây mía. Chỉ còn một số ít nông dân đang cố gắng bám trụ với mía, chưa muốn từ bỏ vì tiếc bao năm công sức đầu tư. 

Đồng Nai tìm giải pháp “cứu” mía đường - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hồng ngụ huyện Định Quán trăn trở, lo lắng về tương lai của cây mía.

Theo ghi nhận của phóng viên, gia đình bà Nguyễn Thị Lan, ngụ huyện Định Quán (Đồng Nai) đang trồng hơn 20ha mía và niên vụ 2020 – 2021 vẫn giữ diện tích này. Bà Lan nói rằng, Định Quán trước đây là vùng nguyên liệu mía lớn do gần nhà máy mía đường La Ngà.

Các năm trước, do nhà máy hoạt động ổn định nên nông dân được bao tiêu đầu ra, hỗ trợ giống, công chăm sóc…

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, ngành mía đường hoạt động không ổn định vì bị đường lậu "xâm nhập", các nhà máy đường thu hẹp sản xuất dẫn đến giá mía lên xuống thất thường.

Đồng Nai tìm giải pháp “cứu” mía đường - Ảnh 2.

Nông dân lo lắng vụ mía mới tiếp tục đối mặt với khó khăn do không có nơi tiêu thụ.

"Mấy năm trước giá mía rẻ song còn có người thu mua mía, còn năm nay giá mía chỉ từ 1,2 triệu đồng/tấn mà không có nơi mua mía. Ở chỗ tôi, mía già hết nên sau đó mọi người tìm cách thuê xe chở ra Phan Rang để bán cho nhà máy đường ngoài đó.

Cứ 1 tấn mía xe tải, họ thu 400.000 đồng nên trừ phân bón, công chăm sóc, dịch vụ chở mía thành ra chúng tôi lại lỗ. Giờ chỉ mong ngành chức năng siết đường lậu, hỗ trợ nhà máy đường trong nước vực dậy hệ thống sản xuất thì bà con chúng tôi mới có nơi tiêu thụ mía. Đất đai ở chỗ tôi cằn cỗi, ít nước để tưới nên vẫn phải bám trụ với cây mía, do đó cần sự hỗ trợ để yên tâm lâu dài", bà Lan chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ huyện Trảng Bom cũng gặp khó khăn tương tự. Gia đình ông Tuấn vừa trồng 17ha mía cho niên vụ mới, nhưng lại lo sợ mía đủ tuổi thu hoạch không có nơi tiêu thụ.

"Hiện nay diện tích mía không nhiều và cứ theo cái đà này, có khi Đồng Nai không còn mía. Tôi nghĩ rằng trước mắt cần xây dựng lại vùng nguyên liệu mía để đảm bảo mía có "đất sống". Thông qua đó các doanh nghiệp mía đường sẽ có đủ nguyên liệu để vận hành nhà máy, kích giá mía tăng trở lại.

Nếu như niên vụ này nông dân chúng tôi vẫn không có chỗ tiêu thụ mía, nguy cơ cao là lại phải tiếp tục ôm nợ ngân hàng vì thu không bù được chi, không dư ra để trả nợ", ông Tuấn buồn bã nói.

Phương án cứu cây mía

Trước những khó khăn chồng chất của người trồng mía, PV Dân Việt đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai và nhận được những chia sẻ.

Đồng Nai tìm giải pháp “cứu” mía đường - Ảnh 4.

Nông dân vẫn chăm chỉ làm đất để chuẩn bị trồng mía.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, tổng diện tích sản xuất mía niên vụ 2020 – 2021 tại Đồng Nai là 5.610ha. Trong đó huyện Định Quán có 2.197 ha, Trảng Bom 1.241ha, Nhơn Trạch 1.087ha, Xuân Lộc 889ha, Thống Nhất 196ha. Như vậy niên vụ 2020 – 2021, diện tích mía ở Đồng Nai đã giảm 3.217ha (-36,4%) so với năm 2019.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Tú Oanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai) cho biết: "Nguyên nhân diện tích trồng mía đang giảm mạnh chủ yếu do tác động của thị trường. Hiện nay giá đường xuống thấp kéo theo giá mía nguyên liệu giảm. Tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp nên người dân bỏ dần cây mía chuyển sang trồng những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thu mua mía của các nhà máy đường còn chậm dẫn đến mía bị khô, giảm mạnh năng suất, sản lượng, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng mía".

Đồng Nai tìm giải pháp “cứu” mía đường - Ảnh 5.

Nhiều nông dân mong muốn vụ mía tới sẽ bội thu về giá và có nơi tiêu thụ gần địa phương

"Tôi nghĩ các địa phương cần hình thành các tổ hợp tác trồng mía, tạo cánh đồng lớn để xúc tiến hợp tác liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển cánh đồng lớn trồng mía ứng dụng công nghệ cao. 

Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn liên quan để hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất; giống, vật tư cho các đối tượng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất mía. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trên cây mía.

 Thực hiện công tác dự tính dự báo thời gian phát sinh, phạm vi và mức độ gây hại của những sinh vật gây hại thực vật trên cây mía; thông báo kịp thời và đề xuất chủ trương, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng chống sinh vật gây hại", bà Oanh nhấn mạnh thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem