Cơ hội xuất khẩu của ngành mía đường Việt Nam

Thanh Phong Thứ năm, ngày 25/03/2021 16:33 PM (GMT+7)
Mặc dù chật vật trên sân nhà, nhưng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra cơ hội xuất khẩu đường chất lượng cao sang EU cho các doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, mía đường Việt Nam còn có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Ngành mía đường vừa cạnh tranh, vừa phục hồi

Sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%.

Tuy nhiên, khi sản lượng đường trong nước dư thừa nhập siêu mặt hàng này vẫn lên đến 884.285 tấn đường vì không còn rào cản thuế. Theo thống kê của ngành Hải quan, giai đoạn 2017-2019, đường nhập khẩu vào Việt Nam đạt 200.000 đến 400.000 tấn.

Sau đó, việc bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường để thực hiện cam kết theo Hiệp định ATIGA đã tác động lớn. Tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2020, đạt hơn 1,5 triệu tấn.

Chật vật trên “sân nhà”, ngành mía đường có thể tìm cơ hội xuất khẩu? - Ảnh 1.

Diện tích trồng mía cả nước liên tục giảm mạnh thời gian qua.

Do đó, sản lượng đường sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2019-2020 ép chưa được 900.000 tấn đường so với trung bình trên 1,2 triệu tấn/năm).

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại, năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam đạt 1 - 1,3 triệu tấn đường/năm và nhu cầu hàng năm hơn 2 triệu tấn. Theo đó, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn nhất trên thế giới và trong khối ASEAN.

Tuy nhiên, hiện tại, ngành mía đường Việt Nam những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt sau khi hiệp định ATIGA có hiệu lực.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, cho hay do được trợ giá, trợ cấp nên giá đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam rất thấp.

Do đó, đường sản xuất trong nước không cạnh tranh nổi, kể cả các nhà máy đã mua giá mía thấp của bà con nông dân. Theo thông tin từ ông Tam, hiện nay, giá mía thấp làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, từ 300.000 ha diện tích mía cả nước nay chỉ còn dưới 160.000 ha. Từ 41 nhà máy đường nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế. Sản lượng đường sản xuất trong nước từ hơn 2 triệu tấn/năm giờ chỉ còn dưới 1 triệu tấn.

Nhu cầu đường thế giới sẽ tăng thời gian tới

Ứng phó tình trạng trên, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô.

Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, kết quả điều tra đã chứng tỏ có hành vi trợ cấp và bán phá giá của đường Thái Lan. Qua đó, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành đường trong nước khi hơn 50% hộ nông dân trồng mía bị tước quyền sản xuất và 1/3 số nhà máy buộc phải đóng cửa.

"Việc áp thuế chống bán phá giá là sự can thiệp kịp thời, giống như 'phao cứu sinh' xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của ngành mía đường Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.

Chật vật trên “sân nhà”, ngành mía đường có thể tìm cơ hội xuất khẩu? - Ảnh 2.

Ngành mía đường Việt có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu?

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, do đã bị thiệt hại quá nặng nề nên việc phục hồi sẽ còn rất nhiều gian truân, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành.

Thông tin mới nhất từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thị trường đường thế giới niên vụ 2020 - 2021 sẽ thiếu hụt lên đến 4.8 triệu tấn đường thay vì mức 3.5 triệu tấn như dự báo trước đó.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự sụt giảm sản lượng ở Tây Âu và nhiều quốc gia khác như Iran, Pakistan, Thái Lan,… cùng những tác động từ khủng hoảng logistic toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ được dự báo sẽ tăng 2.1% so với vụ trước, ở mức 173.8 triệu tấn.

Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cơ hội xuất khẩu đường chất lượng cao sang EU cho các doanh nghiệp Việt sẽ rộng mở. Ngoài các thị trường cao cấp như EU, mía đường Việt Nam còn có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cụ thể, hiện tại, nước này đã quyết định gia tăng trữ lượng đường trong niên vụ tới, sau ảnh hưởng của Covid-19 và lũ lụt. Nhu cầu gia tăng liên tục của thị trường, cùng với sự sụt giảm sản lượng đường của các quốc gia lân cận đã mở rộng cửa cho mía đường Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem