Lộ diện những “mối nguy” mới của ngành mía đường Việt Nam

Thanh Phong Thứ hai, ngày 15/03/2021 16:11 PM (GMT+7)
Theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, sau quyết định áp thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu Thái Lan, ngành mía đường Việt Nam vẫn đang phải ứng phó với các thủ đoạn gian lận thương mại ngày càng tinh vi.
Bình luận 0

Áp thuế Thái Lan, nhiều nước đua nhau xuất khẩu đường giá rẻ vào Việt Nam

Cụ thể, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐBCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, các công ty sản xuất, xuất khẩu Thái Lan sẽ bị áp thuế tạm thời 48,88% đối với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô gồm thuế CBPG và thuế CTC.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng Thư ký VSSA nhận định, đối với ngành Mía đường Việt Nam, quyết định số 477/QĐ-BCT của Bộ Công Thương chẳng khác nào "chiếc phao cứu sinh xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh".

Lộ diện những “mối nguy” mới của ngành mía đường Việt Nam - Ảnh 1.

Ngành mía đường Việt Nam vẫn phải chịu vô vàn khó khăn vì các động thái gian lận thương mại.

"Ngay sau kỳ nghỉ tết, các nhà máy đã ngay lập tức điều chỉnh tăng giá bán đường đồng thời tăng giá mua mía cho nông dân nhằm thể hiện sự chia sẻ đồng thời áp dụng các biện pháp khuyến khích để hy vọng người nông dân quay lại với cây mía", ông Lộc cho hay.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, một lượng đường lớn vẫn nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1/2021. Theo đó, đường nhập lậu chủ yếu từ các khu vực Lao Bảo Quảng trị, Bình Phước, Long An, An Giang, Đồng Tháp đã tràn về khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tháng 1/2021, tổng lượng đường nhập khẩu trong tháng 1/2021 là 120.510 tấn, là khối lượng rất đáng kể trong bối cảnh khủng hoảng vận chuyển container trên thế giới. Theo đại diện VSSA nhận định, nếu không có tình trạng thiếu container khối lượng đường nhập hẳn đã lớn hơn nhiều.

"Tháng 1/2020 còn tiếp tục ghi nhận hiện tượng đặc biệt khác khi số liệu của tổng cục Hải Quan Việt Nam đã cho thấy tình trạng gia tăng trong nhập khẩu đường vào thị trường Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN (Campuchia, Laos, Malaysia, Myanmar, Indonesia) so với thời gian trước khi có quyết định điều tra. Mức giá nhập khẩu từ 5 quốc gia này đều chỉ tương đương hoặc thấp hơn giá đường Thái Lan cùng kỳ.

Như vậy tác hại của các loại đường này đối với ngành sản xuất trong nước cũng hoàn toàn gây thiệt hại nghiêm trọng tương tự như đường nhập khẩu từ Thái Lan. Trong tháng 2/2021 chúng tôi chưa có số liệu của Tổng cục Hải quan, nhưng thông tin từ các nhà buôn đường quốc tế cho thấy các yêu cầu đặt hàng từ Việt Nam đối với các loại đường có xuất xứ từ 5 quốc gia nêu trên vẫn rất cao bất chấp giá tăng trên thị trường quốc tế", đại diện VSSA thông tin.

Nước sản xuất không đủ, không trồng mía vẫn có đường xuất khẩu

Đáng chú ý, theo ông Lộc cho biết, cả 5 quốc gia nói trên đều là những quốc gia sản xuất không đủ đường cho thị trường nội địa và phải nhập khẩu đường khối lượng lớn với xuất xứ từ Thái Lan. Đáng chú ý, Malaysia là nước không trồng mía, chỉ có một số nhà máy tinh luyện, tuy nhiên, thời gian qua, nước này có lượng đường lớn xuất khẩu sang Việt Nam.

"Trong tháng 2/2021, tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu gia tăng tần suất hoạt động khi giá đường bắt đầu phục hồi dưới tác dụng của hàng rào thuế CBPG và CTC.

Các đối tượng buôn lậu và kinh doanh đường nhập lậu đều là các tên tuổi quen biết nhưng phương thức và thủ đoạn đã được nâng cấp để thích ứng với "tình trạng bình thường mới". Việc giao dịch đường nhập lậu được điều chỉnh quy trình để trở nên kín kẽ và thận trọng hơn hẳn trước đây", ông Lộc cho hay.

Lộ diện những “mối nguy” mới của ngành mía đường Việt Nam - Ảnh 2.

Tình trạng buôn lậu đường ngày càng phức tạp với các thủ đoạn tinh vi.

Theo đó, hoạt động nhập khẩu đường qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam tiếp tục tăng đột biến về lượng. Giá khai báo đường nhập khẩu thấp cũng hơn giá nhập khẩu bình quân tại các cửa khẩu khác. Ngoài ra, mức giá này còn thấp hơn cả đường nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan ( nay đã được khẳng định là mức phá giá).

"Chỉ cần tem phụ (không thể truy xuất thông tin) dán lên bao đường nước ngoài đi kèm hóa đơn (có thể quay vòng) là có thể thoải mái lưu thông mà các cơ quan chức năng không thể làm gì được. Một dấu hiệu bất thường khác là cần khối lượng bao nhiêu các đầu nậu cũng có thể đáp ứng.

Thực chất, đến cuối tháng 2/2021, loại đường "nhập lậu" từ Campuchia hoàn toàn làm chủ thị trường tự do. Trở ngại duy nhất của hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu hiện nay là nguồn cung đường (xuất xứ từ Thái Lan) không dồi dào và rẻ như các năm trước đây vì vụ ép 2020/21 của Thái Lan dự kiến cũng sẽ kết thúc trong tháng 3/2021 với sản lượng dự báo tương đương hoặc thấp hơn vụ 2019/20", ông Lộc thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem