Đồng Nai: Nông dân chuyển hướng nuôi tôm công nghệ cao, xuất khẩu thu về con số “khủng”

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 20/12/2022 13:59 PM (GMT+7)
Hiện nay, nhiều nông dân tại Đồng Nai nhất là vùng Nhơn Trạch đang chuyển hướng sang nuôi tôm công nghệ cao với số lượng lớn giúp tăng thu nhập, tăng sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Bình luận 0

Lợi nhuận cao nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, năm 2022, ngành thủy sản của địa phương đạt nhiều con số ấn tượng, trong đó, xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao và nhiều nông dân ngày càng đầu tư vào nuôi trồng thủy sản.

Đồng Nai: Nông dân chuyển hướng nuôi tôm công nghệ cao, xuất khẩu thu về con số “khủng” - Ảnh 1.

Nông dân huyện Vĩnh Cửu chuyển hướng đầu tư mạnh vào nuôi cá da trơn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cụ thể, theo báo cáo của Sở NNPTNT Đồng Nai, tính đến hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủy, hải sản đạt 129,4 triệu USD, tăng 16,5 % so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng Tết Nguyên đán đạt 6.700 tấn, gồm 167 tấn tôm, 6.500 tấn cá.

Ngoài ra, giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân chung của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh là 3,94%. Trong đó, giá trị sản xuất thủy sản nuôi trồng đạt hơn 2.400 tỷ đồng, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo sự phát triển đột phá trong ngành này. Đáng chú ý, nông dân tỉnh Đồng Nai ngày càng quan tâm nhiều đến nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá da trơn, cá bè…

Đồng Nai: Nông dân chuyển hướng nuôi tôm công nghệ cao, xuất khẩu thu về con số “khủng” - Ảnh 2.

Cá chủ yếu được nông dân cho ăn bằng cơm thừa canh cặn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết, thế mạnh của địa phương là phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, đặc biệt là nuôi tôm. Hiện tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đạt gần 1.700 ha. 

Trong đó, toàn huyện có hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh và nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Địa phương đang tiếp tục hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh, thu hút nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.

Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, giảm tỷ lệ hao hụt giống, an toàn dịch bệnh được đảm bảo, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Nhiều nông dân tại Nhơn Trạch thành tỷ phú cũng nhờ nuôi tôm công nghệ cao.

Đồng Nai: Nông dân chuyển hướng nuôi tôm công nghệ cao, xuất khẩu thu về con số “khủng” - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trường Đại, một nông dân thành công với nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tương tự tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nông dân lại phát triển nuôi cá da trơn với nguồn thức ăn sạch là cơm thừa canh cặn. Nhờ nuôi cá, nhiều nông dân mạnh dạn thành lập hợp tác xã kết hợp cùng nhau để tạo ra liên kết, có nguồn ra ổn định hơn cho sản phẩm.

Ông Cao Tiến Sỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai nói rằng, Đồng Nai là tỉnh có hệ thống sông, hồ phong phú nên có thế mạnh nuôi trồng cả thủy sản nước ngọt và nước lợ. 

Riêng nuôi tôm nước lợ, người nuôi quan tâm ứng dụng công nghệ cao đã mang lại được hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác. 

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ nông dân về mọi mặt trong nuôi trồng thủy sản, tạo ra các buổi họp tập kinh nghiệm, hội nghị để nông dân, chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và xử lý bệnh, sự cố… trong nuôi trồng thủy sản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem