Thua trên sân nhàKhoảng chục năm trở lại đây, trên thị trường âm nhạc, đang ngày một vắng bóng những tác phẩm mới mang âm hưởng dân gian. Hàng loạt những ca sĩ dòng nhạc dân gian như: Anh Thơ, Tân Nhàn, Phương Thanh, Lê Mận, Nguyệt Anh, Phạm Phương Thảo… ngay khi ra album cũng hầu như là các ca khúc dân gian cũ, cả album 8 - 9 bài thì nhiều lắm chỉ có từ 1 - 2 bài mới. Và nếu có được làm mới thì đều chỉ có thể làm mới ở phần hòa âm phối khí mới để thu hút khán thính giả.
Đơn giản là dòng âm hưởng dân ca không nằm trong “kế hoạch sản xuất” hay những cuộc chạy đua tăng sản lượng phát hành băng đĩa mà các hãng đĩa đưa ra. Hay có lẽ vì các chủ đề đã được khai thác cạn kiệt và các giai điệu dân ca cổ truyền thì cũng chỉ bấy nhiêu trong khi khả năng khai thác sáng tạo không có nhiều. Lý giải điều này, Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên cho biết, đất nước đang phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, khiến nông nghiệp mất đất, mà mất đất nông nghiệp dẫn đến số lượng người làm nông nghiệp càng giảm. “Hiện nay âm nhạc đang vắng bóng những bài ca dân gian, văn học thì vắng bóng những tác phẩm về nông thôn, nông dân. Đây chính là xu thế tất yếu, đã và đang, sẽ tiếp tục xảy ra nguy cơ mất văn hóa truyền thống”- nhạc sĩ An Thuyên cho hay.
Theo nhạc sĩ, một lý do nữa làm vắng bóng những ca khúc mới mang âm hưởng dân gian, bởi làn sóng nhạc ngoại xâm chiếm, thậm chí nguy cơ nhạc nước ngoài thay thế hoàn toàn sở thích nghe âm nhạc truyền thống Việt Nam, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. “Có thể nói một cuộc xâm lấn của nhạc ngoại mà ta đã thua ngay trên sân nhà. Và tôi coi đây là cuộc chiến đấu về âm nhạc, về văn hóa Việt” - nhạc sĩ An Thuyên nhấn mạnh.
Nhạc sĩ “bế tắc”Nhạc sĩ của “Neo đậu bến quê” cũng lo ngại, xã hội hiện nay đang có hiện tượng a dua chạy theo một bộ phận số đông, mà cũng không cần biết hiệu quả của số đông ấy là như thế nào. “Các phương tiện truyền thông, báo chí... cũng trống vắng, không tuyên truyền nhiều về văn hóa dân tộc, về các ca khúc dân gian. Tất cả đang đổ xô đi theo thị hiếu, không có sự định hướng”.
Đồng quan điểm này, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh cho hay, các nhạc sĩ trẻ khi viết một ca khúc phụ thuộc vào số đông công chúng, xem họ thích cái gì để viết về cái đó. Nhiều tác phẩm na ná Hàn Quốc hay Hongkong, nên những tác phẩm đó đã không có cái riêng, cái tôi của nhạc sĩ trong đó. Còn với các nhạc sĩ đã đi qua đỉnh cao như: “Xa khơi”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Người con gái sông La”… thì họ ngại sáng tác, ngại khai phá chính mình để vẫn giữ được bản sắc dân tộc trên nền văn hóa dân gian nhưng lại thổi được hơi thở thời đại, cuộc sống vào ca khúc.
Khoảng từ năm 2009, những ca khúc bên cạnh sự yên ắng của dòng âm hưởng dân ca chính thống (dân ca Nam Bộ, Bắc Bộ hay Trung Bộ), một dòng âm hưởng dân ca mới xuất hiện đã phát triển và được gọi là dòng dân ca đương đại. Nó ra đời và phát triển trên nền tảng các giai điệu âm nhạc dân gian, cổ truyền Việt Nam nhưng mang hòa âm hiện đại và được các nhạc sĩ – hầu hết là rất trẻ – phát triển. Các nhạc sĩ như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lưu Hà An… với các tác phẩm: “Đá trông chồng”, “Cò lả”, “Giọt sương bay lên”, “Vũ khúc con cò”… đã phần nào tạo được dấu ấn. Tuy nhiên dòng nhạc dân gian đương đại này đến nay cũng đang ngày một cạn kiệt và rơi vào bế tắc.
Cần một chiến lượcNăm 2013, có 2 hiện tượng được giới chuyên môn và đặc biệt các nhạc sĩ trong dòng nhạc dân gian rất phấn khởi đó là hiện tượng ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi hát dân ca Nam Bộ và ca khúc “Chiếc khăn piêu” do ca sĩ Tùng Dương hát đã nhận được hàng triệu sự ái mộ của khán giả cả nước. Mà theo lý giải của nhạc sĩ An Thuyên, cả 2 hiện tượng này đều là những món ăn mang đậm chất dân gian, văn hóa bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ bày tỏ mong muốn báo chí tuyên truyền nhiều hơn nữa để “nhân rộng” ra nhiều Phương Mỹ Chi, và nhiều “Chiếc khăn piêu”. “Một con người sẽ không còn thuần Việt nếu trở nên xa lạ với bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Nếu chúng ta mất nông thôn, chúng ta sẽ mất gốc. Chúng ta cần phải có một chiến lược quốc gia, Nhà nước cần có định hướng, các cơ quan quản lý nhà nước, những người có trách nhiệm phải chung tay hành động để tạo thành sức mạnh toàn dân, để khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc. Người Việt Nam phải sống bằng văn hóa dân tộc, hay nói một cách ví von, chúng ta cần được nuôi sống bằng sữa mẹ” - nhạc sĩ An Thuyên khẳng định.
Nhạc sĩ Đức Trịnh cho rằng các nhạc sĩ phải tự chịu trách nhiệm đưa ra tác phẩm của mình, và nên có người đứng đầu tổ chức về sáng tác âm nhạc, viết ra những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật chuyên môn vừa chạm được đến trái tim khán giả. “Với các nhạc sĩ trẻ, tôi muốn nhắn nhủ rằng, khi sáng tác các tác phẩm âm nhạc mới, các bạn hãy khai thác, mở rộng chất liệu sáng tác, đặc biệt là nên tìm trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam, một nơi đầy đủ nguyên liệu cho sáng tác, một nơi vẫn còn rất nhiều điều các bạn hay công chúng chưa biết hết”- nhạc sĩ Đức Trịnh nói.
Ca sĩ Nguyễn Phương Thanh: Thiệt thòi cho ca sĩ dòng dân gian “Vài năm trở lại đây, để tìm được ca khúc mới mang âm hưởng dân gian hay mà lại đi vào lòng người là điều cực kỳ hiếm. Mỗi khi ra mắt 1 sản phẩm âm nhạc, điều tôi trăn trở và đau đầu nhất đó chính là việc chọn bài hát. Những ca khúc hay được giới chuyên môn đánh giá, công chúng đón nhận như: “Xa khơi”, “Qua bến Đò Quan”, “Khúc hát sông quê”... thì đều đã được các anh, các chị đi trước hát và làm album. Nên tôi cũng như nhiều ca sĩ trẻ mới bước ra từ cuộc thi, cũng chỉ còn cách vẫn chọn ca khúc cũ nhưng làm mới bằng phối khí và cách hát. Tôi được biết nhiều bạn ca sĩ dòng dân gian vì thấy “hết đường phát triển” đã phải chuyển sang dòng nhạc khác như hát nhạc nhẹ, pop ballad”. Ca sĩ Việt Hoàn: Ai cũng chạy theo số đông Theo ca sĩ Việt Hoàn, các ca sĩ trẻ khi đến với con đường ca hát, đều chọn cho mình những dòng nhạc mang âm hưởng nhạc nhẹ, dòng nhạc nghe bắt tai, bắt mắt. Hay nếu có dòng nhạc mang âm hưởng dân gian thì đâu đó lại có sự đan xen với dòng nhạc sến, nhạc vàng, thậm chí là chèn âm hưởng giai điệu, ca từ nước ngoài vào ca khúc để theo xu hướng thị hiếu của số đông. Ngoài ra theo ca sĩ Việt Hoàn, một lý do cũng không nhỏ khiến vắng bóng các ca khúc mới mang âm hưởng dân gian, bởi những nhạc sĩ lão thành khả năng sáng tạo, cập nhật thời cuộc cũng có những mặt hạn chế. “Chính vì vậy tôi nghĩ trong âm nhạc Việt Nam hiện tại, sự bế tắc sáng tác các ca khúc mới mang âm hưởng dân gian đang ở mức báo động. Và theo tôi, Nhà nước nên có đầu tư, chiến lược để bảo tồn và phát triển dòng nhạc này giống như bảo tồn di sản” - ca sĩ Việt Hoàn đề xuất.
|
Thanh Hà (Thanh Hà)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.