Đồng rúp mất giá: Doanh nghiệp Việt lo Nga mất khả năng thanh toán

Mai Hương Chủ nhật, ngày 21/12/2014 07:00 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga đang như “ngồi trên đống lửa” vì lo ngại hàng thủy sản đã xuất sang Nga nhưng phía Nga sẽ không có khả năng thanh toán bởi đồng rúp (ruble) của Nga đến thời điểm này đã mất giá tới 50%...
Bình luận 0

Đồng ruble Nga đang chịu sự giảm giá mạnh chưa từng thấy trong hơn 16 năm qua. Chỉ tính từ đầu tuần đến nay, đồng ruble Nga đã mất giá 20% so với USD, còn nếu tính từ đầu năm đến nay, ruble Nga đã mất giá tới 50%.

imgDoanh nghiệp thủy sản Việt lo Nga mất khả năng thanh toán khi xuất khẩu sang nước này (Ảnh minh họa)

Đã giảm đơn hàng…

Ông Nguyễn Hữu Dũng-Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga hiện nay đang rất bập bõm, dù trước đó chúng ta hy vọng thủy sản xuất vào Nga sẽ tăng mạnh sau khi thị trường này mở cửa trở lại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nguyên nhân là kinh tế của Nga hiện đang rơi vào tình trạng “siêu lạm phát” do đồng ruble mất giá. Không những đơn hàng thủy sản đã ký với doanh nghiệp của ta bị hủy bỏ mà nguy cơ nhiều đối tác Nga cũng rơi vào tình trạng khó có thể thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Dũng, doanh nghiệp của ta xuất khẩu sang Nga đa phần đều chọn phương thức thanh toán bằng USD, tức là, các nhà nhập khẩu phía Nga sẽ dùng đồng ruble Nga để đổi thành USD rồi thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam. Và khi đồng ruble mất giá mạnh đã khiến việc mua bán giữa hai bên gặp khó khăn.

Ông Huỳnh Quang Đấu - Tổng giám đốc Công ty Antesco (An Giang) - một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chế biến vào Nga cho biết, đã có hiện tượng khách Nga chậm nhận hàng và giảm đặt các đơn hàng mới do đồng ruble mất giá so với đồng USD.

Ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương thì cho hay, hiện tại Hùng Vương vẫn xuất khẩu cá tra sang Nga bình thường. Hùng Vương hiện xuất cả hai mặt hàng cá tra phile thịt trắng và phile thịt vàng vào Nga. Tuy nhiên, đơn vị này cũng không dấu sự lo ngại về khả năng thanh toán của phía Nga. Bởi về nguyên tắc, khi đồng ruble mất giá các khách hàng Nga sẽ gặp khó khăn trong thanh toán.

Chưa có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thực tế, khi đồng tiền của Nga chưa mất giá thì việc thanh toán với Nga của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đã không hoàn toàn như thông lệ quốc tế, tức là nhà nhập khẩu của Nga chỉ chuyển tiền 30% hợp đồng, còn lại sẽ trả trong vòng 60 ngày. Nay đồng tiền của Nga mất giá thì khả năng thanh toán thực sự bị rủi ro.

Quan điểm
img
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh 
 Đồng tiền của Nga mất giá khiến quan hệ xuất nhập khẩu giữa Nga và Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì sức mua của Nga giảm, việc thanh toán bằng đồng đô la chắc chắn gặp khó khăn. Điều này sẽ làm giảm việc xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và việc thanh toán của Nga bằng đồng ngoại tệ.  

Nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cho biết, đã không còn đưa Nga vào kế hoạch kinh doanh trong năm 2015 dù năm 2014 vẫn còn xuất hàng sang Nga, tất cả là do lo ngại khâu thanh toán.

Hiện nhiều nhà nhập khẩu Nga đã đưa ra lý do là đồng ruble đang mất giá và không biết khi nào mới là “hồi kết” để hủy đơn hàng và không ký thêm hợp đồng nhập hàng thủy sản của đối tác Việt Nam.

Không chỉ thủy sản mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân, cà phê và cao su sang Nga cũng đang lo lắng vì còn vướng số tiền mà phía Nga chưa trả hết. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, những đơn hàng giao trong sáu tháng cuối năm sẽ được thanh toán vào ngày 31.12. Nhưng nay đồng rúp mất giá quá nhiều, phía doanh nghiệp Nga cho biết là chưa thể trả như thỏa thuận.

Theo ông Nguyễn Bình Giang - Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, các sản phẩm nông sản, thực phẩm như thủy sản, cà phê, chè, hạt tiêu, rau, quả, hạt điều, gạo… đều là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Nga song hiện tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản sang Nga rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng dung lượng thị trường này.

Các cơ quan chức năng hiện cũng lúng túng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Nga. Với việc đồng tiền của Nga mất giá ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản sang đây, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát để sớm có giải pháp tháo gỡ giúp cho doanh nghiệp.

Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Nga ngót nghét 2 tỷ USD (1,44 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2013). Trong cơ cấu xuất khẩu, các mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện (chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nga), hàng dệt may và cà phê (đều có kim ngạch trên 100 triệu USD), theo sau là thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép (đều có kim ngạch trên 50 triệu USD) và các loại nông sản khác....
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem