Đột nhập thế giới bar nam tiếp viên ở xứ kim chi

Chủ nhật, ngày 14/10/2012 06:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dưới ánh sáng mờ ảo của một tầng hầm, hàng tá thanh niên với thể hình chuẩn, gương mặt đẹp trai, nam tính, đầu tóc vuốt gel bóng lộn đứng nhồi nhét trong một không gian chật hẹp chờ đợi được phục vụ cho các quý bà, quý cô.
Bình luận 0

Sự phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc cũng đồng nghĩa việc sẽ có nhiều sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong cấu trúc xã hội vốn nặng tính bảo thủ, bao gồm sự gia tăng của các quán bar giải trí dành riêng cho các quý bà từ trẻ tới già.

Thế giới “bar nam tiếp viên” ở xứ kim chi

Dưới ánh sáng mờ ảo của một tầng hầm, người ta thấy hàng tá thanh niên với thể hình chuẩn, gương mặt đẹp trai, nam tính, đầu tóc vuốt gel bóng lộn đứng nhồi nhét trong một không gian chật hẹp chờ đợi được phục vụ cho các quý bà, quý cô.

Lúc đó đã là 2 giờ sáng, và nơi đó là quán bar 123 nằm trong khu Gangnam-gu, khu ăn chơi ở thủ đô Seoul.

img
Các quý bà, quý cô đang xem các nam tiếp viên biểu diễn vũ đạo

123 là quán bar có kiến trúc theo kiểu nhà Kisaeng truyền thống của người Hàn, nhưng ở đây có một thứ rất khác biệt, đó là thay vì phục vụ khách nam giới, thì 123 chỉ toàn phục vụ khách hàng “phái yếu” vương giả, giàu có.

Những căn phòng trong bar là nơi tụ họp của những người phụ nữ, họ có toàn quyền lựa chọn và trả tiền cho các tiếp viên nam giới. Đôi khi cái giá để các bà, các cô vui vẻ tốn đến hàng ngàn USD chỉ trong một đêm.

Một trong những khách hàng nữ thường lui tới 123 là Minkyoung, cô đang làm quản lý tại một khách sạn 5 sao tiếng tăm ở Seoul. Minkyoung nói rằng cô đến “bar nam tiếp viên” khoảng 1-2 lần mỗi tháng.

Minkyoung khá xinh đẹp, ăn mặc cầu kỳ, trau chuốt, lý giải cho sự lựa chọn của mình: “Ở những quán bar bình thường, các nam nhân viên chỉ có mỗi một mục tiêu là uống rượu với khách hàng, hoặc đó là nơi người ta tìm đến kiểu "tình một đêm", tôi thật sự không muốn vậy”. Tại những bar như 123 này, các chàng trai có kiến thức và biết tâm sự với phụ nữ, họ cũng không gạ gẫm “tình một đêm” với khách hàng của mình một cách lộ liễu.

Chàng trai có tên James làm việc tại bar 123 được vài năm. James nói giá cho “chuyện ấy” cao hay thấp còn tùy vào cách đánh giá của các khách hàng nữ với nam tiếp viên. James khẳng định: “Những bạn trai ở đây khá chuyên nghiệp, chúng tôi biết mình sẽ làm gì.

Sau một giờ hàn huyên với các quý bà, chúng tôi biết chắc họ kiếm được bao nhiêu tiền và sống như thế nào, sẵn sàng chi bao nhiêu tiền cho một lần đến bar. Từ đó mới ra mức giá”. Tuy nhiên, thường thì đối với khách hàng đến các bar thế này, chuyện tiền bạc với họ chỉ là “muỗi”.

James kể một trong các khách hàng mà anh đã gặp trong tuần làm việc đầu tiên đã chủ động đặt vấn đề muốn anh làm “bạn đồng hành” với bà ta trong thời hạn 2 năm. “Bà ấy nói sẽ làm hợp đồng với tôi ngay lập tức nếu tôi điền số tiền vào tấm séc. Tôi thật sự không biết là bao nhiêu thì vừa, tôi nghĩ đó là một trò đùa, do đó tôi đã từ chối”, James nhớ lại, “Nhưng hôm sau tôi biết một đồng nghiệp thế chân của tôi đã nhận hợp đồng 97.000USD trong 2 năm, tôi mới thấy tiếc”.

Phụ nữ Hàn ngày càng cảm thấy cô đơn?

Nói đến “bar nam tiếp viên” mà bỏ qua cái tên Kim Dong-hee thì sẽ là một thiếu sót. Người đàn ông này đã đi đầu trong việc xây dựng các bar kiểu này. Kim lý giải cho mô hình “khác người” của mình: “Rất nhiều phụ nữ đã và đang đau đớn trong chuyện tình cảm và phần lớn cảm thấy cô đơn. Họ muốn giết thời gian và muốn các chàng trai của chúng tôi”.

Theo ông Jasper Kim - người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu toàn cầu châu Á – Thái Bình Dương (APGRG) ở Seoul, “Người Hàn giờ quá chú trọng vào công nghệ, quá quan tâm đến công việc, vì thế các mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội ngày càng phai nhạt. Xã hội Hàn ngày nay khiến tôi nhớ lại hoàn cảnh xã hội Mỹ vào thập niên 1960, khi một số giá trị văn hoá đứng bên bờ vực thẳm”.

Người tiên phong Kim Dong-hee đồng ý rằng nhiều phụ nữ tìm đến các quán bar dạng này không phải để làm “chuyện ấy” mà là tìm kiếm bạn đồng hành để trò chuyện, đó là lý do vì sao Kim đã mở một chuỗi các cửa hiệu nhằm mục tiêu vào thị trường chính thống gọi là Red Model Bar. Kim lý giải: “Đàn ông muốn có niềm vui thị giác và muốn cảm nhận mọi thứ.

Trong khi đó, phụ nữ thích trò chuyện và lắng nghe. Đó là lý do để tôi mở ra các bar dạng đối thoại này”. Red Model Bar hoàn toàn khác biệt so với các “bar nam tiếp viên”, với một quy tắc đáng chú ý nhất: không được đụng chạm cơ thể nhau. Các tiếp viên nam ở một góc bàn, khách hàng ngồi ở góc khác, không có chuyện gợi dục ở đây. Đèn ở đây treo khá thấp, không gian nội thất là màu đỏ sậm, được chia thành các phòng khác nhau.

3 quán bar thuộc hệ thống Red Model Bar đã khai trương ở Seoul trong năm 2012 này. Ngồi tại bàn gần góc bar là khách hàng thường xuyên, một chuyên viên cắm hoa có tên là Kim Nayu. Nayu hớn hở nói rằng cô thường đến bar chỉ để gặp gỡ nam tiếp viên yêu thích của mình, và hai người cùng nhau thảo luận về công việc của cô.

Cái giá cho mỗi lần uống nước như thế dao động từ 487 - 650 USD một lần. Nayu cũng thừa nhận: “Nói chuyện với bạn bè sẽ rẻ hơn hoặc chẳng tốn xu nào, nhưng họ nhiều khi không lắng nghe thấu đáo câu chuyện của tôi. Họ bận rộn và hối hả nói về chính mình. Nhưng ở đây, người ta chăm chú nghe tôi nói. Tôi trả nhiều tiền nhưng xứng đáng vì tôi cảm thấy thoải mái”.

Nam tiếp viên yêu thích của Kim Nayu là Sung-il, nói rằng thật khó để giữ cho cá nhân và cuộc sống không bị xáo trộn. Sung-il chia sẻ: “Thành thật mà nói, tôi muốn nói dối một số thứ với khách hàng, bởi vì chúng tôi là đàn ông nhưng ở đây có những luật lệ hẳn hoi, không cho phép lừa dối khách hàng”.

Một trong các khách hàng của Sung-il đã nói nhiều về chồng của bà cho anh và khi ba người gặp nhau, Sung-il và chồng của khách đã trở thành bạn thân. Sung-il khuyên: “Nhân viên không nên che giấu hoàn cảnh khi làm việc ở đây, như thế khách hàng sẽ dễ bày tỏ lòng mình hơn”.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem