Ưu tiên lĩnh vực giao thông, môi trường
Làm đường giao thông nông thôn (GTNT) là bước đột phá trong công cuộc xây dựng NTM ở Tuyên Quang. Hiện đã có 636/1.201 thôn, bản và 137/137 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đăng ký thực hiện làm đường GTNT. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã làm được gần 400km đường GTNT, phấn đấu hết năm 2011 sẽ hoàn thành 492km; đến năm 2015 sẽ bê tông hoá 70% đường GTNT với tổng chiều dài hơn 2.000km.
|
Lâm nghiệp sẽ là thế mạnh để Tuyên Quang xây dựng NTM. |
Ông Nguyễn Sáng Vang- Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang cho biết: “Tại những nơi làm được đường GTNT, việc đi lại, thông thương hàng hoá trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Quan trọng nhất trong giai đoạn đầu của phong trào xây dựng đường GTNT là đã tìm ra được phương thức, cách làm hiệu quả, thuận lòng dân. Người dân được bàn, tổ chức làm và tự giám sát với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp...”.
Một chương trình khác được kỳ vọng sẽ tham gia hiệu quả vào những đổi thay của nông thôn Tuyên Quang là việc hỗ trợ người dân xây dựng hầm khí biogas trong chăn nuôi. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã giao chương trình xây dựng hầm khí biogas cho Hội ND tỉnh chủ trì thực hiện.
Ông Trần Văn Chiến- Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Trước mắt, tỉnh đã cho cơ chế để triển khai xây dựng hơn 1.000 hầm khí biogas. Theo đó, mỗi hộ làm hầm biogas được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT hoặc Ngân hàng CSXH. Với hộ nghèo, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay và các đối tượng khác được hỗ trợ 50% lãi suất vay...”.
Lâm nghiệp là mũi nhọn
Theo mục tiêu, từ nay đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có 30% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là mục tiêu không khó thực hiện được nếu như địa phương phát huy được tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp.
Ông Trần Văn Chiến - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước mắt, tỉnh đã cho cơ chế để triển khai xây dựng hơn 1.000 hầm khí biogas. Theo đó, mỗi hộ làm hầm biogas được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng NNPTNT hoặc Ngân hàng CSXH. Với hộ nghèo, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay và các đối tượng khác được hỗ trợ 50% lãi suất vay...
Ông Phạm Minh Huấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Có 8 nội dung để các cấp, ngành và địa phương ở Tuyên Quang thi đua thực hiện, trong đó có một số nội dung quan trọng như tạo sự chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng về NTM; thực hiện tốt công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng xã NTM; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; phát triển nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; đổi mới các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Trong nông nghiệp, bên cạnh thế mạnh về cây mía, cây chè, cây ăn quả, tỉnh Tuyên Quang chú trọng khai thác là kinh tế lâm nghiệp. Hiện Tuyên Quang là một trong số ít tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt tới hơn 64%, trong đó chủ yếu là rừng kinh tế.
“Đây là cơ sở để tỉnh khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, tạo việc làm, mở rộng dịch vụ phụ trợ. Địa phương cũng có cơ chế hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp dân doanh, tiểu thủ công nghiệp tại khu vực nông thôn, kinh tế hộ phát triển theo hướng trang trại, gia trại...” - ông Phạm Minh Huấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định.
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.