Dự án đội vốn 36 lần: Sao không thương người dân không có cơm ăn?

Lương Kết Thứ hai, ngày 28/05/2018 17:46 PM (GMT+7)
“Ý đại biểu nói để so sánh dự án quan trọng vì ngày xưa vua ở, thế các đồng chí không thương có người dân ở Tây Bắc, họ không có cơm ăn, họ phải di dân”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận.
Bình luận 0

img

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình -ảnh VPQH).

Chiều nay (28.5), tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Binh) đã giơ biển tranh luận. Ông nói rõ hơn về dự án ở địa phương tăng vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng. Đó dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) được Kiểm toán Nhà nước điểm tên vì đội vốn lên tới 36 lần. Theo đại biểu Phương nếu chỉ nhìn con số từ 72 tỷ đồng lên gần 2.595 tỷ đồng, người dân sẽ đặt nhiều câu hỏi băn khoăn.

Vị đại biểu này cho hay, dự án nạo vét sông Sào Khê bắt đầu tư 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua vùng lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh lại so với ban đầu.

Với 4 mục tiêu sau điều chỉnh, gồm nhằm đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, phục vụ giao thông thuỷ và phát triển du lịch Ninh Bình, nên số vốn làm dự án tăng từ 72 tỷ đồng lên gần 2.595 tỷ.

Theo đại biểu Phương trong dự án này vốn Nhà nước bỏ ra làm chỉ hơn 1.400 tỷ đồng,  số còn lại huy động từ nguồn xã hội hoá. "Với dự án có ý nghĩa lớn với sự phát triển của tỉnh như vậy thì việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý", đại biểu Phương nói.

img

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM - ảnh VPQH).

Ngay lập tức đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) giơ biên tranh luận. Ông nói trên thế giới một dự án đầu tư tăng vốn đến 36 lần thì không thể giải thích gì thêm được. Trong đầu tư phát triển điều quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả. “Khi dự án kéo ài chưa nói đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực thì rõ ràng không hiệu quả. Việc không hiệu quả sẽ tác động ngược đến nền kinh tế và gây gánh nặng. Do đó tôi đề nghị thanh tra dự án này để kết luận rõ ràng đâu là nguyên chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan, nếu cần khen thưởng thì khen thưởng, còn cần thì phải rút kinh nghiệm và phải làm ngay. Việc thanh tra và kết luậ rõ ràng để tỉnh Ninh Bình cũng như cử tri đỡ băn khoăn”, đại biểu Nghĩa bày tỏ.

img

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội - ảnh VPQH).

Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, ông muốn đề cập đến chuyện đầu chuột đuôi voi đang rất phổ biến, báo chí đã đăng, đó đây là hội chứng lãng phí. Khi xin dự án thì vốn còn ít sau vốn cứ tăng dần nếu Quốc hội hàng năm thông qua thì lấy tiền đâu bù vào.

“Đại biểu Phương có nói dự án Sào Khê có 1.400 tỷ đồng tiền của Nhà nước, còn lại là kêu gọi vốn, nhưng tôi hỏi 1.400 tỷ đồng không nhiều sao? Nếu dự án có tăng vốn ra cũng chỉ 2-3 lần, còn tăng ra nhiều như vậy (36 lần) nên xin làm một dự án khác. Tôi cũng từng làm nhiều dự án khi còn là Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, dự án có tăng vốn nhưng chỉ ở chừng mực. Còn ý đại biểu nói để so sánh đây là dự án quan trọng vì ngày xưa vua ở, thế các đồng chí không thương có người dân ở Tây Bắc, họ không có cơm ăn, họ phải di dân. Không thương người dân phải đi những đoạn đường rất khó khăn ở Tây Bắc, Tây Nam hay sao”, đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn.

Trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước được trình tại Quốc hội (chiều 21.5) có đề cập tới tình trạng điều chỉnh  dự án với giá trị lớn, trong đó có dự án điều chỉnh từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, tăng đến 36 lần. Đó là dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem