Muốn nghiên cứu lại ngay sau khi bị "bác"
|
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã trở thành tâm điểm trong buổi họp báo Chính phủ chiều 31-8, khi hai vấn đề nóng được báo chí đặt ra cho ông là đường sắt cao tốc Bắc Nam và Vinashin.
Sự xuất hiện tương đối đột ngột của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng trong cuộc họp báo được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói rõ là do những thông tin nhiều chiều về việc triển khai nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong những ngày vừa qua.
Mở đầu cuộc trao đổi, Bộ trưởng Dũng khẳng định lại: Hiện Chính phủ và ngành GTVT đang tiến hành các bước nghiên cứu dự án chứ chưa triển khai bất cứ hành động nào tiến hành xây dựng dự án. Lý do để tiến hành nghiên cứu do báo cáo của ngành GTVT, Chính phủ tại Quốc hội (QH) vừa qua là chưa cụ thể.
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Trục Thăng Long không có trong quy hoạch gốc về GTVT. Sau khi nhập Hà Tây vào Hà Nội thì có ý tưởng làm con đường này... Hơn nữa đây là một trục kết nối văn hoá, sinh thái. Quan điểm của tôi, quy hoạch là cần thiết. Láng Hoà Lạc là chưa đủ. Quỹ đất giao thông chúng ta chưa phải là nhiều. Phải có trục đô thị nữa. Về lâu dài cần trục Thăng Long và một số trục nữa. Tất nhiên là chưa đầu tư lúc này.
Theo ông Dũng, phía Việt Nam và Nhật Bản sơ bộ thống nhất: Bộ GTVT làm chủ dự án nghiên cứu, Tổng công ty Đường sắt VN là đơn vị thực hiện. Có thể, Chính phủ sẽ lập Ban chỉ đạo Quốc gia do Bộ GTVT chủ trì về dự án này. Việc nghiên cứu sẽ sử dụng vốn tài trợ phát triển không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Khi thực hiện nghiên cứu không có bất cứ ràng buộc nào về việc xây dựng dự án, việc chọn nhà đầu tư, khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu thêm dự án này ngay sau khi QH không thông qua chính là điểm làm dư luận quan tâm trong những ngày qua. Thực tế, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có công văn đề nghị Chính phủ cho phép lập dự án đầu tư xây dựng (báo cáo nghiên cứu khả thi) vào ngày 21-6-2010, chỉ một ngày sau khi Kỳ họp thứ 7 của QH (có bàn về vấn đề này) kết thúc.
Về sự vội vàng này, Bộ trưởng Dũng nói: Báo cáo nghiên cứu sẽ lập được quy hoạch chi tiết toàn tuyến để xác định mốc giới, mặt bằng để cắm đất cho dự án. Thứ hai là đi sâu vào các dự án kỹ thuật, công nghệ của dự án để xác định tương đối chính xác hiệu quả kinh tế của dự án. Cuối cùng là đánh giá tác động môi trường, kinh tế xã hội (chưa báo cáo trước QH). Ông Dũng cũng khẳng định, dù việc nghiên cứu được tiến hành thế nào thì cuối cùng việc quyết định đầu tư hay không vẫn thuộc về QH.
Trả lời câu hỏi vì sao không triển khai nghiên cứu cải tạo đường sắt hiện tại thành tuyến đường sắt khổ lớn, đường đôi có thể chạy với tốc độ 200 km/h như nhiều chuyên gia đề xuất, Bộ trưởng Dũng trả lời khá ngắn gọn: "Việc nâng cấp đường sắt hiện nay lên khổ 1,435m là không khả thi. Việc giải phóng mặt bằng là bất khả thi. Chắc chắn phải lập tuyến mới, chỉ duy trì đường sắt 1m hiện nay".
TGĐ Vinashin bị đình chỉ để phục vụ điều tra
Lý do đình chỉ ông Trần Quang Vũ - Tổng Giám đốc Vinashin và ông Trần Văn Liêm - Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn này được ông Hồ Nghĩa Dũng chính thức thông báo là dựa trên đề nghị của cơ quan điều tra vì có các biểu hiện sai phạm pháp luật. Tuy nhiên, ông Dũng không nói cụ thể về những sai phạm của 2 ông này.
Theo một số công nhân của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Nam Triệu, trong thời gian ông Vũ làm Tổng Giám đốc, ông khá quan tâm đến quyền lợi và chế độ của công nhân. Còn việc có những đợt công ty chậm lương đến 3-4 tháng họ không có ý kiến bởi đó là tình trạng chung của các công ty trong thời gian kinh tế thế giới khủng hoảng. Một số công nhân của Tổng công ty Nam Triệu đến thời điểm này họ vẫn chưa biết việc giám đốc một thời, nay là Tổng Giám đốc Vinashin bị đình chỉ công tác.
Trả lời câu hỏi vì sao lại bổ nhiệm một người có dấu hiệu sai phạm như vậy, ông Dũng cho biết: Đó là giải pháp tình thế, khi cựu Tổng Giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình bị đình chỉ nên đã "đôn" ông Vũ, khi đó là Tổng Giám đốc điều hành làm Tổng Giám đốc Vinashin. Ông Dũng cũng khẳng định, việc cơ cấu nhân sự ở Vinashin vừa qua là chỉ đảm bảo tạm thời cho hoạt động của tập đoàn chứ chưa phải là cơ cấu mang tính lâu dài.
Xung quanh việc tái cơ cấu Vinashin cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra. Ông Dũng cho biết, việc quan trọng nhất hiện nay là tạo điều kiện để giúp tập đoàn tiếp cận được nguồn vốn để tiếp tục các dự án đóng tàu.
Việc này sẽ giúp cải thiện bức tranh tài chính của tập đoàn, thậm chí có thêm khách hàng mới. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, trong việc tái cơ cấu Vinashin hiện nay, ưu tiên trước hết là trả lương và bảo hiểm cho người lao động, giữ được người lao động trong các đơn vị của Vinashin để họ yên tâm đóng góp vào tập đoàn.
Hồ Thường - Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.