Dự báo thị trường phải như dự báo thời tiết

Anh Thơ Thứ bảy, ngày 26/05/2018 14:49 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách Nhà nước sáng 26.5. Bà Hải cho rằng, chỉ có dự báo thông tin thị trường chính xác thì mới không còn những cuộc giải cứu nông sản như thời gian qua.
Bình luận 0

Dự báo tốt thị trường để không phải giải cứu

Khẳng định việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã đi đúng hướng và cần có tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới nhưng bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng bày tỏ sự quan ngại khi tình trạng thương lái của một số quốc gia, nhất là các nước láng giềng đã sử dụng các thủ thuật có những dấu hiệu tiêu cực nhằm phá hoại nền sản xuất nông nghiệp nước ta, gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp nước ta.

Công tác dự báo thị trường về nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản chúng ta còn yếu, nhìn từ đầu năm đến nay chúng ta đã thực hiện rất nhiều cuộc giải cứu nông sản cho nông dân như dưa hấu, ớt, mía,... “Đây không phải là sản phẩm chủ lực, chẳng lẽ không phải là sản phẩm chủ lực mà ngành đã để nông dân lao đao như thế này sao?”, bà Hải nêu câu hỏi.

img

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) thảo luận tại hội trường.

Bà Hải đề nghị, Bộ NNPTNT cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này và nên sớm có phương án tái cơ cấu, xử lý căn bản hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta đặc biệt chú ý đến sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị hàng hóa. Chú ý đến nâng cao các giải pháp, thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản để xuất khẩu. Đặc biệt phải giải quyết cho được nút thắt là tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa lớn.

"Sắp tới đây, ngày 1.1.2019 Luật Quy hoạch đầu tư có hiệu lực thì việc quy hoạch sản phẩm hàng hóa sẽ không còn nữa, mọi sản xuất đều theo tín hiệu thị trường, nếu chúng ta không có tín hiệu dự báo, thông tin thị trường kịp thời cho người nông dân thì còn phải giải cứu dài dài và nông dân tiếp tục lao đao. Tôi thiết nghĩ dự báo thị trường sản xuất hàng hóa phải như là dự báo thời tiết”, bà Hải nói.

ĐB Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cũng cho rằng, sản xuất trong nông nghiệp còn mang tính tự phát theo phong trào mà chưa theo quy hoạch, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người nông dân còn nhiều vướng mắc, nhất là việc cùng cấp thông tin thị trường, quy hoạch và quản lý quy hoạch, tiếp cận tín dụng.

Từ thực tế đó, ông Thống kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp một cách đồng bộ từ việc thông tin cụ thể về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trong nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về tín dụng; tạo điều kiện cho người nông dân có đủ thông tin về quy hoạch, thị trường.

Bộ NNPTNT cần có những giải pháp hiệu quả để quản lý các quy hoạch ngành, tránh tình trạng như hiện nay, sau quy hoạch không được quản lý một cách chặt chẽ gây phá vỡ quy hoạch.

Cần cơ chế đặc thù để hỗ trợ hình thành và phát triển hợp tác xã kiểu mới nhất là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Bộ NNPTNT sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và quản lý chất lượng an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.

Đừng để nông dân tự bơi

Theo ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), năm qua ngành nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ, sau những mất mát to lớn do thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, phục hồi đáng kể sau sự cố môi trường biển ở miền Trung gây ra. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và sản xuất gắn với chuỗi giá trị, gắn kết tốt hơn với thị trường, nhiều sản phẩm giá trị có mặt ở những thị trường khó tính trên thế giới đã mở ra triển vọng tươi sáng cho nền nông nghiệp.

img

Cần thực hiện tốt quy hoạch để không phải giải cứu nông sản. Ảnh: IT.

“Vui là vậy, song chúng ta cũng không ít băn khoăn về những chuyện buồn, được mùa mất giá, sản phẩm nông nghiệp mất an toàn vệ sinh, sản xuất thiếu kế hoạch, cung vượt cầu, báo động đỏ tình trạng giải cứu nông sản chưa có dấu hiệu kết thúc. Chúng ta đã đặt kỳ vọng lớn về mối quan hệ 5 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà băng, song trong thực tế không đạt được kết quả như mong đợi, vai trò nhạc trưởng của nhà nước chưa rõ nét trong dẫn dắt, tạo dựng, kết nối, gắn kết mối quan hệ này”, ông Thắng chỉ rõ.

Ông Thắng cho rằng, sẽ không công bằng khi chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho người nông dân là vì lợi ích trước mắt và đầu tư sản xuất tự phát, thiếu kế hoạch dẫn đến sản phẩm dư thừa, cung vượt cầu, sản xuất không gắn với thị trường, mà nên có một thái độ tích cực hơn là Chính phủ, chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp cần phải thấy rõ và nhận lãnh trách nhiệm của mình trước nhân dân, là trung tâm định hướng, kết nối, hành động, dẫn dắt, hỗ trợ thiết thực cho người dân trong làm ăn kinh tế, không để mặc cho nông dân tự bươn chải vô định trong vòng luẩn quẩn này.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa theo nền sản xuất lớn, đẩy nhanh ứng dụng kỹ thuật số tự động, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp cần xác định rõ tầm quan trọng của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ có tính đột phá về môi trường kinh doanh lẫn nguồn vốn để khuyến khích doanh nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao.

“Cần có giải pháp đồng bộ để xây dựng thương hiệu nông sản Việt, tránh đội lốt các thương hiệu nước ngoài tiêu thụ, dẫu đó là thị trường xuất khẩu hay nội địa. Làm tốt công tác quy hoạch gắn với thị trường chứ không phải hỗ trợ cho tín hiệu thị trường, tránh phải đối mặt với điệp khúc giải cứu nông sản như thời gian qua”, ông So nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem