Du khách Mỹ sớm "liệt kê" món gỏi này vào danh sách yêu thích của mình
Du khách Mỹ sớm "liệt kê" món gỏi này vào danh sách yêu thích của mình
Thứ tư, ngày 22/02/2023 10:23 AM (GMT+7)
Tồn tại hơn 50 năm, món gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám vẫn níu chân được khách hàng có "thâm niên" hàng chục năm. Không chỉ vì hương vị ngon, nó còn chất chứa nhiều hoài niệm của bao thế hệ trẻ.
14h, trời Sài Gòn nắng vẫn chưa dịu bớt. Nhiều người đi ngang công viên Lê Văn Tám (đường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) vội tấp vào hàng bóng mát, í ới gọi "cho dĩa gỏi khô bò" ăn giải nhiệt.
Vài người trẻ lần đầu đến đây ăn, lúng túng không biết ngồi đâu. Biết vậy, nữ phục vụ tươi cười nói: "muốn ngồi đâu cũng được".
Ẩm thực Sài Gòn: Khách Tây xếp hàng chờ ăn món gỏi khô bò ở vỉa hè
Hơn 50 năm vẫn vẹn vị ngọt
Tại đây, thực khách sẽ ngồi ăn ở khu vực công viên, còn nơi trộn gỏi được người bán kê chiếc bàn nhỏ trước một tòa nhà đối diện trên đường Hai Bà Trưng. Sau khi gọi món, một người phụ trách bên công viên sẽ dùng bộ đàm để báo với người trộn gỏi ở phía bên kia đường.
Trong vòng 5 phút, 4-5 người phối hợp trộn gỏi rồi đưa món ăn cho nhân viên nhanh chóng mang qua phục vụ thực khách.
Quán khô bò này không có tên. Người ta chỉ đơn giản gọi là quán "gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám" hay "gỏi khô bò dì Sáu". Có người ăn ở đây mấy chục năm, nhưng vẫn không biết mặt chủ.
Từ công viên ngó sang bên kia đường, dễ dàng thấy một người phụ nữ trạc ngoài 60 đang tập trung trộn gỏi. Theo tìm hiểu của phóng viên, đó là "dì Sáu".
Dì Sáu khiến bao thế hệ trẻ mê mẩn món gỏi khô bò của mình. "Bà là người hiền lành nhưng lại khá kín tiếng, ngại ngùng khi tiếp chuyện với người lạ", một thực khách chia sẻ.
Dì Sáu tên thật là Thúy (61 tuổi). Người phụ nữ này đã gắn bó với xe gỏi khô bò từ khi một phần có giá 50 xu, nay đã lên 25.000 đồng. Mỗi năm giá tăng khoảng 1.000 đồng/phần vì nguyên liệu đắt đỏ, quán cũng không dám tăng nhiều vì muốn níu chân khách quen.
Mỗi ngày, dì Sáu phải thức từ 4h để chuẩn bị nguyên liệu cho cả ngày, bao gồm đu đủ bào sợi, bánh phồng tôm, thịt bò khô,… Tất cả đều được chính tay dì làm mà không mua đồ làm sẵn ngoài chợ, nhằm đảm bảo vệ sinh.
Khối lượng nguyên liệu được định sẵn cho từng ngày, riêng đu đủ bào sợi là không đong đếm được. Khi có nhiều khách ăn, dì sẽ gọi cho con cháu ở nhà bào thêm, rồi mang lại bán tiếp.
Trước đây, dì Sáu thường dọn hàng lúc 12h, nhưng giờ phải đẩy lên 11h do nhiều khách đến sớm, ngỏ ý thèm ăn. Món ăn tưởng chừng như đơn giản, nhưng phải có 7-8 người phụ mới làm xuể.
Dì Sáu mở hàng từ 11h cho đến 21h nhưng không lúc nào là ngơi tay. Thực khách đến liên tục, những đơn hàng bán ăn tại chỗ, mang về khiến tủ gỏi dần hết lúc nào không hay.
Người phụ nữ tâm sự, buôn bán vỉa hè khiến bản thân có được nhiều câu chuyện cho riêng mình. Dì chia sẻ, kỷ niệm buồn chắc nhiều hơn vui.
"Giờ là đỡ rồi, ngày xưa bị đuổi nhiều lắm. Bán đường phố nên chấp nhận thời tiết gay gắt. Nhiều hôm trời mưa, ngồi che dù mà muốn rớt nước mắt vì ế ẩm, không bán được phần nào. Nhưng những khó khăn đó cũng qua, nhiều khách hàng nhỏ có, lớn có, đến khen gỏi ngon rồi gắn bó mấy chục năm, khiến tôi có thêm nhiều động lực hơn", dì Sáu cười.
Dì Sáu vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh An Giang. Là con thứ sáu trong số 15 người con, ngay từ nhỏ bà đã phải bỏ học, cùng gia đình làm việc kiếm sống qua ngày.
Trước năm 1975, chị của dì Sáu một mình lên TPHCM lập nghiệp. Sau khi trải qua nhiều công việc khác nhau, người chị quyết định sáng tạo món gỏi khô bò, mang ra bán thử.
Thời điểm đó, xe gỏi khô bò được đẩy ra trước sân vận động Hoa Lư. Món gỏi lúc ấy cũng được bày trí đơn giản, gồm gỏi đu đủ, khô bò và đậu phộng, nhưng được rất nhiều người ủng hộ.
Vài năm sau, do thực khách quá đông, xe gỏi khô bò đành dời sang công viên Lê Văn Tám. Lúc này dì Sáu cũng rời mảnh đất khô cằn ở quê lên TPHCM tìm cơ hội. Nhận lời ngỏ ý của chị, dì Sáu trở thành người phụ trách bán món gỏi khô bò cho đến hiện nay.
Nhân viên ở xe gỏi hoàn toàn là con cháu trong nhà của dì Sáu. Số tiền bán được dì lấy chia đều, nhờ vậy, cuộc sống của họ dần tốt hơn.
Ba mẹ ở quê đã già yếu, số tiền chăm lo cho ông bà cũng đến từ xe gỏi này. Khi được hỏi sao đã ngoài 60 nhưng vẫn không về hưu, dì Sáu chỉ lắc đầu, cười trừ vì đã trót yêu thương cái nghề của mình.
Theo nhiều thực khách, thứ níu chân họ chính là vị gỏi khó quên của dì Sáu. Không những vậy, nó còn là gánh hàng ký ức của bao thế hệ trẻ tại TPHCM.
Khác với một số nơi, gỏi của dì Sáu còn có thêm phần bánh phồng tôm, nhai rất vui miệng. Hơn hết, nước chan được bà trộn giấm với nước tương để sẵn, tạo nên độ chua ngọt hợp vị người miền Nam. Phần khô bò không cứng mà rất mềm, dẻo, khiến thực khách ăn không thấy ngán.
Công thức làm món gỏi khô bò đặc biệt này là bí quyết riêng của chị dì Sáu và chỉ có một vài người trong gia đình biết. Một trong những bí quyết mà dì Sáu tâm đắc nhất, chính là bán bằng cái "tâm".
"Bán ở đây lâu, tôi không đơn thuần nghĩ là để kinh doanh kiếm tiền nữa. Bản thân tôi muốn đem lại một món ăn ngon cho khách hàng, những người đã gắn bó với xe gỏi này vài năm, thậm chí vài chục năm. Phải yêu thích, đặt hết tâm huyết vào món ăn mình làm ra thì nó mới ngon được", dì Sáu bộc bạch.
Là một trong những khách hàng có "thâm niên", chị Bùi Vành Khuyên (40 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, đã gắn bó với món gỏi này hơn 20 năm. Từ khi còn là sinh viên, chị thường cùng các bạn ra công viên Lê Văn Tám ăn gỏi khô bò của dì Sáu. Bản thân chị vốn đã quen với kiểu ăn đường phố, thoáng mát dù đã nhiều năm trôi qua.
"Ngồi ở đây, tôi vừa thưởng thức được đồ ăn, vừa ngắm nhìn được cảnh vật, con người. Nơi đây cũng chứa đầy kỷ niệm thời sinh viên của tôi. Thời sinh viên, nhớ nhất là lúc ngồi ăn bị mấy chú dân phòng đuổi bỏ chạy, mỗi đứa trên tay còn cầm dĩa gỏi khô bò, đứa nào cũng nhìn nhau cười nắc nẻ", chị Khuyên nói.
Vừa từ Mỹ về Việt Nam, ông Lâm Ông (42 tuổi) sắp xếp một ngày đẹp trời để quay lại thưởng thức món gỏi khô bò quen thuộc ngày nào. Dù đã mấy chục năm trôi qua, ông vẫn thấy vị của món ăn này không thay đổi. Giá thành vẫn được dì Sáu điều chỉnh rất rẻ, để những bạn trẻ còn là sinh viên có thể đến ăn.
Anh Will (24 tuổi, người Mỹ) chia sẻ, đây là lần thứ 4 anh đến thưởng thức món gỏi khô bò. Sinh sống và làm việc tại TPHCM một thời gian, anh Will đã sớm "liệt kê" món gỏi này vào danh sách yêu thích của mình.
"Tôi rất thích món này, đặc biệt là phần khô bò dẻo, nước chan đậm vị. Ngồi ăn đường phố thế này giúp tôi hiểu thêm về văn hóa của người Việt, của TPHCM nhiều hơn. Đây là một trải nghiệm tốt, chắc chắn tôi sẽ còn quay lại thêm nhiều lần nữa", anh Will cho hay.
Lần đầu thưởng thức món ăn đường phố tại Việt Nam, chị Margaux (người Bỉ) đã sớm ấn tượng với món gỏi khô bò.
"Nếu quay về Bỉ, tôi sẽ giới thiệu với bạn bè về món ăn này. Cảm nhận của tôi là nó rất ngon và đậm vị. Trải nghiệm ăn ở đường phố, ngắm nhìn mọi thứ xung quanh khiến tôi cảm thấy thích thú", Margaux nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.