Bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 6 chương trình mới bị chê "không xứng": Tác giả, giáo viên nói gì?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 14/08/2021 14:48 PM (GMT+7)
Bài thơ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 đang tạo nên cuộc tranh cãi khi nhiều người cho rằng lời thơ ngô ghê, nội dung không xứng tầm đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bình luận 0

Bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa gây tranh cãi, tác giả lý giải thế nào?

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước học sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình GDPT mới).

Tuy nhiên, dù chưa chính thức vào năm học mới nhưng câu chuyện về sách giáo khoa ít nhiều tạo nên cuộc tranh cãi từ giáo viên, phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục.

Mới đây, một phụ huynh bày tỏ không đồng tình khi trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có một bài thơ "không phù hợp trong việc giáo dục học sinh".

Bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 6 chương trình mới bị phản đối kịch liệt: Tác giả và các giáo viên nói gì? - Ảnh 1.

Bài thơ "Bắt nạt" gây tranh cãi. Ảnh: Chụp màn hình website NXB Giáo dục

Cụ thể, bài Đọc văn bản trang 27 cuốn sách có bài thơ "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bài thơ có 4 khổ, nội dung khuyên nhủ các bạn học sinh đừng bắt nạt người khác, vì bắt nạt là xấu. Thay vì bắt nạt hãy nhảy hip-hop cho hay, ăn mù tạt để thử thách và cuối cùng là lời nhắn nhủ hãy yêu thương những bạn nhút nhát...

Trong sách giáo khoa giới thiệu "tác giả bài thơ là Nguyễn Thế Hoàng Linh. Anh sáng tác thơ từ năm 12 tuổi và hiện đã có "gia tài" là hàng ngàn bài thơ. Thơ của Hoàng Linh viết cho trẻ em rất hồn nhiên, ngộ nghĩnh, trong veo, tươi vui".

Tuy nhiên, nhiều người phản đối bài thơ này vì có nội dung "ngô nghê, không phù hợp với học sinh lớp 6", "có mùi bạo lực", "cái cây, hip hop, học hát không phải là từ láy"... và "không xứng đáng đưa vào sách giáo khoa".

Một ý kiến cho biết: "Bài thơ có tư tưởng nhân đạo nhưng thể hiện chưa tới và thật ra quanh đi quẩn lại nó cũng chỉ là "đừng bắt nạt". Với giá trị nội dung như vậy thì làm thơ vui vui chắc chẳng ai có vấn đề gì. Nhưng bài thơ được đưa hẳn vào SGK lớp 6, tức là sẽ trở thành bước đệm đầu tiên đưa các em đến với chương trình Ngữ văn cấp 2 thì chưa thấy được cái hay, cái đẹp, điểm sáng nghệ thuật của toàn bài".

Bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 6 chương trình mới bị phản đối kịch liệt: Tác giả và các giáo viên nói gì? - Ảnh 2.

Bìa sách Ngữ văn lớp 6 mới. Ảnh: Chụp màn hình website NXB Giáo dục

Ngay sau khi nhận được những luồng ý kiến trên, tác giả bài thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh lý giải: "Từ láy được dân gian đặt tên và cảm nhận rõ ràng trước khi có SGK rất lâu. Láy gợi ngay cho người ta cảm giác về luyến láy, lặp. Việc phải đi qua một vòng kiểm tra ngữ nghĩa nữa chỉ làm nhiều từ láy trong dân gian bị phủ định. Cách lập luận "các âm trong từ này láy với nhau nhưng chưa thỏa mãn việc có ít nhất 1 từ vô nghĩa nên không phải từ láy" thật không thuyết phục. Nhất là với những người thật sự tinh tế về Tiếng Việt.

Nói "nghe láy nhưng không phải là từ láy" thì "nghe láy" đã là thừa nhận thuộc tính "láy" rồi. Cái thuộc tính hình thức đập vào tai, vào mắt ("mắt thấy tai nghe") đó mới làm nên từ láy từ xa xưa chứ từ láy không nên bị phụ thuộc vào vòng thẩm định ngữ nghĩa ai ban cho. Mình gọi "học hát", "cái cây", "hip hop" là từ láy là theo thuộc tính láy âm.

Sống lâu với thơ ca "xịn", mình phân biệt được nhiều cái đúng tự nhiên và kiểu giả đúng nhân danh học thuật. Tiếng Việt thông minh không phức tạp và thiếu khái quát, thiếu thuyết phục như vậy. Nhiều em học sinh đã bị trừ điểm oan sự cảm thụ tinh tế vì quy định không thông minh nhân danh học thuật này".

Tuy nhiên, nhiều lời giải thích tác giả Hoàng Linh càng bị chỉ trích nặng nề hơn vì không chỉ sai kiến thức Tiếng Việt mà còn có thái độ "ngông", coi thường những lời góp ý của mọi người... Sau đó, tác giả đã chính thức lên tiếng xin lỗi: "Mình xin lỗi vì đã sai trong chuyện từ láy và có những lời lẽ không chính xác. Mình xin lỗi đã nhận định chủ quan, vội vàng. Cảm ơn các bạn đã góp ý".

Bài thơ có phù hợp để đưa vào sách giáo khoa hay không?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Vân Anh, giáo viên Văn, Trường THCS Thạch Bàn, Hà Nội bày tỏ: "Nội dung bài thơ nêu lên vấn đề/tình huống thường gặp trong nhà trường: Bắt nạt. Cách đưa vấn đề, lời khuyên, chỉ ra việc làm tốt, bày tỏ quan điểm đứng về phe kẻ yếu. Tuy nhiên, cách gieo vần đang còn cố ép nên không cảm thấy được cái hay trong câu từ. Nói chung, đây là bài thơ không hay, không đặc sắc và còn nhiều bài khác hay hơn có thể lấy vào sách giáo khoa".

Thầy Đ.N.N, giáo viên Văn tại TP.HCM cho ý kiến: "Theo tôi bài thơ này vẫn sử dụng cho lớp 6 được, không nhất thiết phải học sinh cấp 1 mới hợp vì đôi khi bóng dáng của người lớn vẫn có trong đó.

Về thực chất, văn chương cũng như một bông hoa, với người này thì nó đẹp nhất nhưng với người kia thì nó thua xa những bông hoa khác. Việc lựa chọn một văn bản để đưa vào chương trình đã là rất khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Hội đồng biên soạn đều là những nhà nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm về cả lý luận lẫn thực tiễn, cho nên không thể vì một vài góc nhìn "nói cho vui" mà phủ nhận đi công sức của cả tập thể biên soạn cũng như của tác giả.

Tất nhiên, nếu sự góp ý chân thành với mong muốn được đóng góp, xây dựng cho mọi sự tốt đẹp hơn, thì cũng đáng ghi nhận và trân trọng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem