Dự thảo về Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân các tỉnh ĐBSCL (sau đây gọi tắt là Dự thảo tạm trữ mới) áp dụng cho 2 đối tượng: Hộ nông dân trồng lúa và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo (DN) tại ĐBSCL. Nông dân (ND) có thể tạm trữ lúa tại nhà, tại cơ sở sản xuất của mình, cơ sở của tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc thuê kho của DN.
|
Cơ sở hạ tầng phơi sấy lúa của nông dân còn nghèo nàn. |
Khó thực hiện nhiều điểm
Về hình thức tạm trữ mới này, ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng khó có thể thực hiện bởi thói quen bán lúa ngay tại ruộng của nông dân ĐBSCL hiện nay.
Mặt khác, mức tạm trữ đối với hộ ND hoặc các tổ liên kết phải từ 10 tấn/điểm chứa lúa là quá lớn so với thực tế. Bởi hiện nay, hơn 86% trong tổng số gần 1,5 triệu hộ ND ở ĐBSCL chỉ canh tác trên diện tích từ 0,3 đến dưới 1ha đất lúa. Với diện tích này, mỗi vụ họ chỉ có được bình quân từ 1,5 – 5 tấn lúa thu hoạch. Như vậy hầu hết ND sẽ không đủ điều kiện để được tham gia chương trình tạm trữ. Ông Phong cho rằng nên sửa điều kiện này lại là “ND muốn tạm trữ thì đăng ký số lượng”, để khi đó, ai có bao nhiêu cũng tham gia được.
“Còn nếu ND tự liên kết lại để xây kho thì ai sẽ là người đầu tư? Mà xây xong rồi đến bao giờ mới có thể thu hồi vốn nếu chỉ dùng để tạm trữ lúa gạo trong một thời gian ngắn?” – ông Phong phân tích. Ông Lê Việt Hải – Giám đốc Công ty cổ phần Mê Kông (Cần Thơ) thì cho rằng, thủ tục xác nhận thời gian tạm trữ của ND nhiêu khê.
“Chẳng lẽ mỗi lần gặt lúa về và bán ra, bà con phải gọi chính quyền địa phương tới chứng kiến và xác nhận cho mình? Đồng loạt 1,5 triệu hộ gọi phường, xã lấy đâu ra người? Chưa kể hồ sơ tạm trữ, các hóa đơn chứng từ ND phải tìm ở đâu? Nếu không có những giấy tờ này, ngân hàng làm sao cho vay?” - ông Hải thắc mắc.
Mặt khác, cơ sở vật chất, tay nghề tạm trữ của ND cũng là một “rắc rối” khác. Nếu lúa gạo tạm trữ bị ố vàng, không đúng tiêu chuẩn xuất khẩu, hay chất lượng giảm, giá bán ra thấp, bị lỗ thì trong những trường hợp này ai sẽ là người bù lỗ cho ND? Mức hỗ trợ có đủ bù đắp?
Bắt đầu từ điều thiết thực
Còn hình thức ND thuê kho của DN để tạm trữ lúa gạo thì các DN đều khẳng định rằng không làm được vì sẽ có rất ít nông dân chở lúa đến kho DN do họ không có phương tiện. DN cũng không thể chia nhỏ diện tích kho để cho ND thuê trữ lúa một cách lắt nhắt.
Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết nông dân ĐBSCL hiện nay đều bán lúa tươi tại ruộng để lấy tiền trả nợ vật tư nông nghiệp và quay vòng sản xuất ở vụ sau, nên hỗ trợ trực tiếp từ đầu vào sẽ công bằng và thiết thực hơn. Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty XNK An Giang cho biết, hàng năm nông dân sản xuất hơn chục triệu tấn lúa nhưng chỉ thu mua tạm trữ 1 – 2 triệu tấn, như vậy chỉ giúp được một bộ phận rất nhỏ người ND.
Trong khi đó, ND đang phải chịu mức vật tư nông nghiệp khá cao, giá lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng hàng ngày làm giảm lợi nhuận. Do đó, việc hỗ trợ trực tiếp từ đầu vào sẽ giúp hầu hết bà con giảm giá thành sản xuất, từ đó lợi nhuận sẽ tăng lên.
“Chỉ tính riêng công vận chuyển từ ruộng tới nhà máy sấy lúa rồi chuyển về nhà đã mất 200 đồng/kg rồi, nên mức hỗ trợ lãi suất của Nhà nước nên quy cụ thể ra mức lãi 200 - 300 đồng/kg còn lại, thực tế và dễ hiểu hơn?”.
Nông dân Huỳnh Văn Sơn
Hoặc các DN đều cho rằng hiện mỗi năm, nông dân đang phải chịu đến 13 - 14 loại phí khác nhau, từ phí cầu đường, thủy lợi đến phí xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng… “Nhà nước có thể tính ra mức hỗ trợ từng đợt tạm trữ là bao nhiêu, lấy tiền đó hỗ trợ cho ND những khoản phí này cho ND bớt khổ, lại đỡ mất công khoản giấy tờ, nhân lực đi thu tôi thấy còn thiết thực hơn” - ông Lê Minh Trượng - Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu phân tích.
Nông dân Huỳnh Văn Sơn ở Thạnh Hóa, Long An cho rằng phương án tạm trữ tại nhà ND là có thể thực hiện. Bởi việc tạm trữ tại nhà mười mấy, hai mươi tấn lúa anh đã từng làm. Nhưng nếu như mức hỗ trợ không được từ 400 – 500 đồng/kg lúa thì anh không làm vì mất nhiều công sức và thời gian.
“Hay nếu được, nhà nước bỏ hẳn tiền ra mua hết lúa trong dân rồi sau đó DN nào muốn mua thì nhà nước đấu thầu bán lại, lời ăn lỗ chịu như Thái Lan đang làm vậy” – ông Phong góp ý.
Thuận Hải - Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.