Đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 05/04/2023 15:20 PM (GMT+7)
Các chuyên gia văn hóa, ẩm thực ủng hộ bánh mì cần được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Chiếc bánh mì tuy du nhập từ nước ngoài nhưng đã được Việt hóa một cách sáng tạo và tăng giá trị món ăn, rồi lại đi ngược ra thế giới và được quốc tế biết đến.
Bình luận 0

Từ hàng chục năm trước, bằng cách riêng theo văn hóa ẩm thực của từng vùng miền, người Việt đã biến tấu hoàn toàn chiếc bánh baguette thành bánh mì Việt Nam và được khách quốc tế yêu thích. Nhiều gia đình tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề làm bánh mì, sáng tạo chiếc bánh theo kiểu rất Việt Nam. Chiếc bánh mì xứng đáng trở thành di sản văn hóa, trở thành chiếc cầu nối đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Khách quốc tế trầm trồ trước bánh mì Việt Nam

Đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa của Việt Nam - Ảnh 1.

Khách Tây mua bánh mì tại Lễ hội Bánh mì diễn ra tại TP.HCM, năm 2023. Ảnh: Hồng Phúc

Đã được giới thiệu về bánh mì nhiều lần trước khi sang TP.HCM, Việt Nam nhưng chị Tamara, người Serbia, vẫn chưa hết ngạc nhiên về sự khác biệt, độc lạ của bánh mì Việt Nam vốn có nguồn gốc từ chiếc bánh baguette Pháp. Cầm ổ bánh mì trên tay, cắn vào một miếng, rồi một miếng nữa, chị trầm trồ.

"Chúng tôi đến từ một nước châu Âu gần Pháp nên bánh mì rất quen thuộc. Nhưng sự kết hợp giữa bánh mì và rau củ, thịt thì tôi chưa thử. Món ăn làm tôi rất thích, vì quá ngon. So với các loại bánh mì khác, tôi thấy phần vỏ bánh mì Việt Nam khá giòn, mềm mịn bên trong. Tôi thích bánh mì Việt Nam", chị Tamara cười nói.

Không chỉ với khách châu Âu, nhiều khách châu Á cũng thích thú khi ăn bánh mì Việt Nam. Bánh mì Phượng - thương hiệu bánh mì rất nổi tiếng tại Hội An, đã có mặt tại xứ sở kim chi Hàn Quốc và tạo nên cơn sốt. Cửa hàng này không chỉ phục vụ khách Việt mà còn khách Hàn và du khách từ các quốc gia khác.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), nhiều cửa hàng bánh mì do người Việt làm chủ, được làm với khẩu vị tương tự Việt Nam. Chun Sheng - du học sinh Đài Loan đang sống, học tập và làm việc tại TP.HCM, cho biết anh đã nhiều lần ăn bánh mì tại Đài Loan trước khi sang Việt Nam.

 “Tại Đài Loan, người Việt bán theo dạng cửa hàng chứ không đẩy xe hay có một chiếc tủ đặt ở ngã tư, đầu hẻm. Nhưng hương vị vẫn như vậy, rất ngon và hút khách”, Sheng nói.

Đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa của Việt Nam - Ảnh 3.

Xe bánh mì gần phố Tây Bùi Viện, quận 1, TP.HCM luôn thu hút đông khách quốc tế. Ảnh: Hồng Phúc

20 năm trước, tại một cuộc thi, ông Kenny Kong - Chủ tịch, cố vấn của Hiệp hội đầu bếp Singapore, có dùng thử bánh mì Việt Nam kết hợp cùng cà phê. Khi đó, ông ngạc nhiên với vỏ bánh bên ngoài giòn và ruột bánh mềm bên trong. 

“5 năm sau, qua tìm hiểu kỹ cách người Việt làm bánh mì, tôi thấy cách người Việt làm bánh mì đó là một triết lý, thấy rõ văn hóa và lối sống của người Việt. Họ kết hợp các loại nguyên liệu thịt chả và nhiều thứ để làm nhân. Cách người Việt làm bánh mì rất đặc biệt”, ông Kenny Kong nhận xét.

Đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa của Việt Nam

Bánh mì Việt Nam từ Bắc vào Nam, tuỳ từng vùng miền, ổ bánh mì được biến tấu khác nhau, phần nhân khác nhau, miễn là người ăn thấy ngon, hợp khẩu vị. Nhiều gia đình ba bốn đời làm bánh mì tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục lưu giữ nghề truyền thống, phục vụ bữa ăn hàng ngày của người Việt và đưa bánh mì đi xa hơn nữa tới cộng đồng quốc tế.

Đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa của Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch (phải) và ba là ông Nguyễn Sinh (trái), truyền nhân nhiều đời của thương hiệu Bánh mì Nguyên Sinh Bistro, nhận vinh danh Thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời trên 50 năm tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Nguyễn Ngọc Thạch - truyền nhân đời thứ ba của bánh mì Nguyên Sinh Bistro, quận 1, TP.HCM cho biết sau 81 năm, hương vị bánh mì do ông nội là cụ Nguyễn Văn Miêu sáng lập, vẫn giữ nguyên và được người Việt quý mến. Là người kế thừa, ông Thạch tiếp tục giữ nguyên công thức bánh mì và làm cho thương hiệu phát triển hơn, bằng cách ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất.

“Tôi rất mong bánh mì sớm được công nhận là di sản văn hóa của Việt Nam. Nếu được như vậy thì với những gia đình làm bánh mì truyền thống, đó là một niềm vinh dự, tự hào lớn. Không chỉ phục vụ trong nước, tôi còn muốn đưa hương vị bánh mì Việt Nam đi xa, phục vụ người Việt ở nước ngoài và người dân quốc tế”, ông Thạch nói với Dân Việt.

Chuyên nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, ông Nguyễn Thanh Lợi cũng đồng tình việc bánh mì cần được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Theo ông, chiếc bánh mì tuy được du nhập từ nước ngoài, nhưng đã được Việt hóa một cách sáng tạo và tăng giá trị món ăn. Chiếc bánh mì đã đi ngược ra thế giới và được quốc tế biết đến.

Đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa của Việt Nam - Ảnh 5.

Các chuyên gia văn hóa, ẩm thực ủng hộ bánh mì được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Ảnh: Hồng Phúc

Tại hội thảo diễn ra tại TP.HCM trong khuôn khổ Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần I, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ủng hộ việc bánh mì chính thức có vị trí quan trọng trong hệ thống ẩm thực Việt Nam, sẽ là di sản văn hóa của Việt Nam. Theo ông, phía Hiệp hội sẽ đề nghị công nhận bánh mì là di sản văn hóa Việt Nam.

“Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp du lịch, người yêu du lịch sử dụng món bánh mì nhiều hơn trong việc giới thiệu, quảng bá, đưa bánh mì thành di sản văn hoá Việt Nam”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, sự kiện Lễ hội Bánh mì vừa diễn ra tại TP.HCM đã thu hút rất nhiều khách, chứng tỏ bánh mì với người Việt, nhất là người dân tại TP.HCM có ý nghĩa quan trọng. Từ sự kiện này, nhà quản lý càng thêm quyết tâm trong quá trình đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa. Trước mắt, việc giới thiệu, đưa bánh mì trở nên gần gũi thêm gần gũi hơn, thành món ăn yêu thích của người Việt trên khắp cả nước.

Ông Henry Ah - Nhà sáng lập Hiệp hội Bánh mì và bánh kẹo Trung Quốc, với khoảng 60 năm làm trong ngành công nghiệp bánh mì, đánh giá chiếc bánh mì tại Việt Nam có thể đã xuất hiện cả trăm năm trước, được biến tấu từ chiếc bánh baguette Pháp. Đó là một chiếc bánh được làm rất đơn giản từ bột mì, men và nước, nhưng với công thức khác hơn để tạo ra chiếc bánh khác với baguette.

Ông Henry Ah cho rằng bánh mì là niềm tự hào của người Việt, của ẩm thực Việt. Ông ủng hộ việc sớm đưa bánh mì trở thành di sản văn hóa, để bánh mì Việt Nam được trường tồn và ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem