May mắn được cứu sống nhưng cuộc đời H’Ly còn được tái sinh lần nữa nhờ sự cưu mang, nuôi dưỡng của các chiến sĩ biên phòng …
Từ cõi chết trở vềThời điểm đó địa bàn Tây Nguyên đang xảy ra những bất ổn an ninh do bọn Fulro lưu vong ở nước ngoài giật dây. Không ít người đã cùng cả gia đình vượt biên để đi tìm “miền đất hứa” theo lời dụ dỗ của bọn xấu… Cái đêm định mệnh 25.5.2006 ấy, gia đình Rơ Châm Theo cùng vợ, 2 đứa con và bố đẻ của mình là ông Ksor Thin tham gia chuyến vượt biên tập thể qua Campuchia. Chọn lúc trời mưa tầm tã, 10 gia đình ở làng Kuk gồm 22 người vượt rừng kéo nhau ra bến sông Pô Kô. Trên chiếc thuyền gỗ đã được giấu sẵn, cả nhóm người leo lên chiếc thuyền nhỏ vượt sông. Con thuyền vừa đến giữa dòng thì bất ngờ bị sóng đánh lật úp. 4 người gia đình Rơ Châm Theo bị dòng nước dữ cuốn trôi. Siu H’Ly may mắn thoát chết nhờ có ai đó cố đẩy cháu dạt lên một tảng đá nổi lên giữa dòng sông.
Trung tá Rah Lan Toanh (trái) đang trò chuyện với cháu Siu H’Ly (giữa). Siu H’ly cho biết luôn nhận được sự chăm sóc của các “cha bộ đội”.
Già Ksor Huyên - người làng Bi kể rằng, sáng sớm hôm đó ông đang trên đường đi làm rẫy thì nghe thấy tiếng trẻ nhỏ khóc văng vẳng từ phía bờ sông. Chạy ra bến thì thấy một bé gái đang cố bám víu vào tảng đá giữa dòng nước xiết. Chân tay rụng rời, Ksor Huyên hốt hoảng đi gọi thêm người để giải cứu. Gặp ông Siu Blờ đang tát nước, hai ông già cùng chèo thuyền ra sông. Cứu được bé, họ đưa về rẫy cho hồi tỉnh rồi đi báo với Đồn Biên phòng Pô Kô…
Cả đồn là cha…Trung tá Rah Lan Toanh - Chính trị viên đồn Pô Kô kể: H’Ly thật đáng thương, lúc đó cháu mới 6 tuổi nhưng đã gánh trên mình một cú sốc quá lớn. Bị cái chết kinh khủng của cha mẹ đeo đẳng, mỗi khi nghe ai đó nhắc chuyện, cháu lại lủi thủi ra bến sông Pô Kô gục đầu khóc ngẩn ngơ. H’Ly bị trầm cảm không chịu tiếp xúc, chuyện trò với bất kỳ ai.
Nhờ sự yêu thương, đùm bọc hết mình của các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng, nỗi ám ảnh của H’Ly nguội dần…Và thực sự 8 năm nay, tấm lòng ấy đã nuôi dưỡng cháu lớn khôn…
|
“Thực ra lúc đó chúng tôi cũng chưa có ý định nhận H’Ly về nuôi vì cháu còn quá nhỏ mà công việc của anh em rất bận. Song nhiều lần họp làng bàn bạc, dân làng cũng như họ hàng xa gần của H’Ly không ai chịu nhận đứng ra nuôi. Không thể để H’Ly bơ vơ, Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã họp bàn và nhất trí nhận H’Ly làm con”- trung tá Rah Lan Toanh chia sẻ. Mỗi tháng cán bộ, chiến sĩ đồn trích từ khẩu phần ăn và lương lo đủ mọi nhu cầu cho H’Ly. Ngày ngày anh em phải thay phiên nhau đến nhà kể chuyện cho cháu nghe, dạy cháu hát; giặt giũ quần áo, chăm sóc cháu như một đứa con…
Chúng tôi đến nhà thăm H’ly lúc cháu vừa được một cán bộ của đồn Pô Kô dẫn đi làm thủ tục nhập học lớp 6 ở Trường Trung học Dân tộc nội trú của huyện Ia Grai về. Chẳng đợi hỏi, H’Ly đã khoe: “Các cha bộ đội (cán bộ chiến sĩ nào của đồn cũng được H’Ly gọi là cha) của cháu thương cháu lắm. Mấy hôm trước nghe các cha nói cháu phải lên huyện học mới trở thành cô giáo (ước mơ của H’Ly là được trở thành cô giáo làng). Đi xa vậy cháu sợ, hơn nữa phải xa các “cha bộ đội” thì buồn lắm. Nhưng các cha đã hứa sẽ thường xuyên lên thăm cháu rồi mua cho cháu chiếc xe đạp mới nữa, thế là cháu yên tâm. Cháu sẽ cố gắng học giỏi để các cha vui...” .
Quốc Dinh (Quốc Dinh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.