Đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, nông dân Sóc Trăng nhàn hơn, làm giàu trên đồng ruộng

Hoàng Hạnh - Hồng Thạch Thứ hai, ngày 23/10/2023 14:06 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn thay đổi tư duy làm nông nghiệp khi chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ số để để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm làm giàu trên chính đồng ruộng của mình.
Bình luận 0

Ở ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, anh Triệu Hoàng Hương là người dân tộc Khmer đầu tiên dám thay đổi cách làm truyền thống khi ứng khoa học công nghệ nông nghiệp hiện đại vào sản xuất để làm giàu, đem lại nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Dùng máy bay không người lái sạ lúa, bỏ phân, xịt thuốc

Anh Hương cho biết, bản thân xuất thân từ gia đình nông dân, nên sau khi lập gia đình, anh cùng vợ khởi nghiệp từ việc trồng lúa. Sau bao nhiêu năm nỗ lực, cố gắng tiết kiệm, dành dụm, từ vài công lúa ban đầu, giờ đây gia đình anh đã có trong tay 9 ha đất.

Nông dân Sóc Trăng áp dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp làm giàu trên đồng ruộng - Ảnh 1.

Anh Triệu Hoàng Hương mạnh dạn đưa công nghiệp vào làm nông nghiệp, trong đó có việc đưa máy bay không người lái vào sạ lúa giống, bón phân, xịt thuốc BVTV... Ảnh: Hồng Thạch

Người nông dân này khẳng định, ở thời điểm hiện tại muốn làm nông nghiệp hiệu quả phải thay đổi tư duy, không thể cứ dựa vào sức lao động, mà phải từng bước cơ giới hoá. 

"Chúng ta đang ở thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi người nông dân phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến, mới mong bắt kịp nông nghiệp hiện đại như việc sử dụng máy bay phun không người lái bỏ phân, xịt thuốc BVTV vào sản xuất là một ví dụ", anh Hương nói.

Trước đó trong một lần thấy mô hình máy bay không người lái xịt thuốc BVTV theo kiểu dịch vụ ở Trần Đề, anh Hương bắt đầu có ý tưởng đầu tư mua máy bay phun thuốc để vừa làm trong gia đình, vừa phục vụ anh em và bà con trong xóm. 

"Để làm thử, tôi mua một máy bay xịt thuốc BVTV, khi làm trong gia đình thấy làm ăn hiệu quả nên quyết định mua thêm một máy khác để mở rộng quá trình làm ăn", anh Hương chia sẻ.

Nông dân Sóc Trăng áp dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp làm giàu trên đồng ruộng - Ảnh 2.

Anh Hương đã nắm bắt thuần thục kỹ thuật sử dụng máy bay không người lái xịt phun thuốc BVTV. Ảnh: Hồng Thạch

Anh nông dân chân đất này cho biết, trước đây với 9ha đất của gia đình, anh phải tốn vài ngày phun thuốc bằng phương pháp thủ công, chi phí thuê lao động cũng cao ngất ngưởng. 

Nhưng giờ đây, cũng với diện tích này, anh hoàn thành công việc không đầy một buổi sáng bằng máy bay phun thuốc, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí, lại mang đến hiệu quả cao. Đặc biệt là không ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn giải quyết tốt tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn như hiện nay.

Hiện tại, với 2 máy bay phun thuốc BVTV, mỗi vụ lúa, anh phun từ 14.000-15.000 công đất cho nông dân, tạo việc làm cho 6 lao động ở địa phương với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Nông dân Sóc Trăng áp dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp làm giàu trên đồng ruộng - Ảnh 3.

Anh Danh Ươl luôn chịu khó tìm hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả để giúp thành viên trong HTX. Ảnh: Hồng Thạch

"Lợi nhuận mỗi công đất 1.000 m2 được khoảng 4.000 đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Quân bình một vụ lúa, tôi kiếm lời từ 50-70 triệu đồng từ việc phun thuốc thuê bằng máy bay", anh Hương nói và cho biết, cộng với khoản lãi khoảng 2 triệu đồng/công sản xuất lúa của gia đình đem lại cho anh nguồn thu khá.

Ở huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) , không chỉ có anh Hương biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp làm giàu, mà nhiều nông dân đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Kiết Lập B, xã Lâm Tân đã cùng nhau thành lập và tham gia vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và bán được giá cao.

Nông dân Sóc Trăng áp dụng kỹ thuật số vào sản xuất nông nghiệp làm giàu trên đồng ruộng - Ảnh 4.

Nhờ tiên phong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất đã đem đến đời sống tốt cho gia đình anh Danh Ươl. Ảnh: Hồng Thạch

Anh Danh Ươl - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B là một trong những người luôn tâm huyết với cách làm này. Anh luôn tập trung nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời còn mở cửa hàng kinh doanh phân bón, xịt thuốc BVTV phục vụ bà con nông dân địa phương.

Với tư duy và cách làm rất sáng tạo, thích nghi với cơ chế thị trường, biết vận động, thuyết phục bà con liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ, anh đã giúp nông dân trong hợp tác xã không còn lo thị trường đầu ra, nông sản cũng được nâng cao về giá trị.

Anh Ươl cho biết, Hợp tác xã Nông nghiệp Kiết Lập B được thành lập vào cuối năm 2013, đến thời điểm này đã có 33 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ gần 200 triệu đồng. 

Hợp tác xã chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, rơm, liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản làm ra.  Tổng diện tích sản xuất của hợp tác xã gần 100ha. Bên cạnh sản xuất lúa hàng hoá, hợp tác xã còn cung cấp lúa giống cho các hộ nông dân ở địa phương.

"Khi mình vào Hợp tác xã thì sẽ hỗ trợ cho việc sản xuất của mình. Ngoài ra, với kiến thức mình đã học tập được thì mình hướng dẫn bà con về cách thức làm ăn, vì nhiều khi bà con có vốn nhưng chưa biết đầu tư gì, khi vào hợp tác xã, bà con đầu tư và có lợi nhuận", anh Danh Ươl cho biết.

Hiện tại các thành viên hợp tác xã vừa được tập huấn làm phân hữu cơ, đang chờ vay vốn để đầu tư sản xuất phân hữu cơ cung ứng cho nông dân trong thời gian tới. Mô hình thành công sẽ mở hướng đi mới cho hợp tác xã, bởi sản xuất hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem