Đưa miệt vườn lên núi

Thứ hai, ngày 07/05/2012 15:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhận 46ha đất đồi theo diện "phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hưởng lợi dưới tán rừng" nhưng ông Ba Ngợi không trồng các loại cây lâm nghiệp mà chọn cách phủ xanh rừng bằng cây ăn quả.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Ngợi (Ba Ngợi) vốn quê ở tít tắp vùng sông nước Đồng Tháp, đã từng là chủ 4 lò đường mang thương hiệu Hồng Ngự, chủ bè nuôi cá trên lòng hồ Trị An nhưng rồi lần lượt lâm vào cảnh trắng tay. Định mệnh đã đưa Ba Ngợi đến vùng đất Chư A Thai nắng gió khắc nghiệt, cách trung tâm tỉnh Gia Lai gần 100km để lập nghiệp…

Bén duyên với đất mới, ông nhận 46ha đất đồi theo diện "phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hưởng lợi dưới tán rừng". Tuy nhiên, ông không trồng các loại cây lâm nghiệp mà chọn cách phủ xanh rừng bằng cây ăn quả. Tìm hiểu, ông nhận thấy đất ở đây đặc biệt phù hợp với cây xoài. Nhưng giống xoài địa phương lại không cho giá trị kinh tế cao nên ông quyết định về lại Đồng Nai và Đồng Tháp mang lên những giống xoài đã vang danh như: Xoài Cao Lãnh, xoài cát Hòa Lộc, xoài thơm, xoài tượng, xoài gòn…

img
Ông Ba Ngợi với gốc xoài 3 năm tuổi sai trĩu cành.

Ông còn ghép các giống xoài để tạo ra những giống mới rất thơm ngon như: Xoài ghép nghệ, xoài ghép xanh, xoài Thái… Điều đặc biệt là ông đã thành công trong việc cho cây ra trái trái mùa rất hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế của vườn cây...

Đi thăm vườn nhà ông, chúng tôi có cảm giác như đang ở miệt vườn của miền sông nước. Những cây xoài mới vài năm tuổi nhưng quả trĩu cành. Mãng cầu, na bắt đầu kết trái bên hồ Ayun Hạ xanh mát trong veo… Năm nay, ông dự tính sẽ thu về khoảng 5 tấn xoài chỉ từ 200 gốc xoài ghép mới 3 năm tuổi, trừ mọi chi phí cũng lãi ròng cả trăm triệu đồng.

Theo tính toán của ông, khi xoài vào thời điểm sung sức nhất có thể đạt 100kg/cây, tức 200 tấn/ha. Sắp tới, ông sẽ về miền Tây đưa các giống trái cây nổi danh như: Vú sữa Cần Thơ, quýt Lai Vung, thanh long ruột đỏ, dừa Bến Tre... bổ sung cho trang trại. Khi ấy, ông sẽ giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Theo ông Ba Ngợi đây là mô hình rất phù hợp với vùng đất này nên khuyến khích đồng bào địa phương trồng cây ăn quả bằng cách cho luôn cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và phân tích cho họ thấy: Khu vực Tây Nguyên còn nghèo cây ăn quả nên không bao giờ sợ ế ẩm.

Ông Rơmah Ngoan-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho biết: "Chính quyền xã đang phối hợp cùng gia đình ông Ba Ngợi để nhân rộng mô hình này nhằm tạo ra một điểm nhấn trong phát triển kinh tế tại địa phương".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem