Hàng năm đều xảy ra không ít cuộc giải cứu dưa hấu và các loại nông sản khác (Ảnh minh họa)
Theo chia sẻ của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tại hội thảo diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 diễn ra ngày 3.7, trong 6 tháng cuối năm 2018 vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, xuất phát chủ yếu từ yếu tố thị trường.
Do đó, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần thực hiện một cách chủ động, chú trọng công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng Nhà nước quản lý với bước đi thận trọng và lộ trình thích hợp, đảm bảo không tác động đột biến tới mặt bằng giá chung.
Về chỉ số giá tiêu dùng CPI 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,22% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái có tốc độ tăng dần từ mức 2,65% lên mức 4,67% trong tháng 6, bình quân mỗi tháng tăng 0,37%, cao hơn rất nhiều con số 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, năm nay là năm thứ 4 phải giải cứu dưa hấu. Ngoài ra, hàng chục nông sản khác tiếp tục phải giải cứu. Trong đó, xuất hiện thêm nhiều mặt hàng nông sản mới như xoài, dứa... Rõ ràng bài toán về cung cầu nông sản vẫn có vấn đề.
Ông Phú bức xúc: “Hiện tồn tại một nghịch lý là dứa ở Ninh Bình, Thanh Hóa chỉ có 500 đồng mỗi quả, thậm chí vứt đi không ai thu hoạch thì ở Hà Nội người dân phải mua 11.000 đồng/quả. Hay giá gạo 5% tấm xuất khẩu lại thấp hơn giá tiêu dùng nội địa, ở siêu thị Lotte Mart là 86.000 đồng một bao 5kg nhưng giá gạo xuất khẩu chỉ từ 11.000-11.500 đồng/kg, cộng cả thuế VAT và chi phí bao bì cũng không thể chênh lệch cao như thế. Cái đó nói lên rằng người tiêu dùng vẫn phải ăn gạo giá cao một cách vô lý.
Hiện nay cũng đang tồn kho gần 700.000 tấn đường, các nhà máy phải bán tháo cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhưng ở các siêu thị, đường vẫn bán giá từ 21.000-23.000 đồng/kg.
Thời kỳ tôi phụ trách công tác điều hành ở Sở Thương mại Hà Nội, tôi từng đưa ô tô trực tiếp tới nhà máy, mua đường từ nhà máy, đóng góp bán thẳng cho người dân, khi giá đường tăng gấp 3-4 lần. Bởi vì chúng ta chưa có giải pháp điều hành quyết liệt về giá, vẫn làm việc theo lối cũ là chờ qua thương lái cấp 1, 2, 3, đến khi vào siêu thị thì chiết khấu cho siêu thị lên tới 15% cộng với các khoản chi phí khác... khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng cao khi tới tay người tiêu dùng. Vô hình chung, cả người tiêu dùng và nông dân đều thua thiệt.
Vậy nên, từng có ĐBQH nói rằng có sự thao túng giá và độc quyền trong khâu bán lẻ. Cách đây khoảng 1 tháng, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương ngăn cản sự chi phối, lũng đoạn trên thị trường bán lẻ, đây là tín hiệu chứng tỏ khâu bán lẻ, hệ thống phân phối có vấn đề. Những đoạn đứt gãy này làm chi phí tăng lên, người tiêu dùng bị móc túi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để chi trả các mặt hàng trong bối cảnh đời sống còn khó khăn”.
Theo ông Vũ Vinh Phú, con số tăng trưởng GDP rất đẹp, nhưng 80% số người nghèo trong xã hội, lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng liệu có nuôi sống được gia đình không? Nói chuyện giá cả phải nói tới những người khổ nhất trong xã hội
Ví dụ trên cho thấy có một vấn đề chưa được giải quyết là giá cả bán lẻ một số mặt hàng thiết yếu ở thị trường nội địa vẫn đang cao một cách vô lý mà chưa kéo xuống được. Đây cũng là yếu tố đóng góp cho chỉ số CPI những “số liệu chưa chuẩn xác” theo cách nói của ông Vũ Vinh Phú.
Theo vị chuyên gia này, nếu giá cả thực sự trở về đúng nghĩa của nó, nếu không bị tăng cao ở những khâu “không cần thiết”, thì chỉ số CPI còn có thể thấp hơn thực tế.
“Tôi cho rằng chúng ta phải kéo giá xuống chứ không phải bình ổn giá”, ông Phú nói.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần phân phối, điều tiết lại lợi nhuận một cách hợp lý, tạo ra một nền thương mại công bằng ở Việt Nam.
“Lợi nhuận sau thuế tính trên 1kg đường ở Thái Lan, người trồng mía ở Thái Lan được phân phối 70%, 30% còn lại dành cho các khâu khác, nhưng ở Việt Nam đang ngược lại”, ông Phú đề xuất.
TSKH. Nguyễn Thị Hiền
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Vũ Vinh Phú, TSKH. Nguyễn Thị Hiền cho rằng, phải tổ chức lại thị trường, vì khâu này cũng đang “có vấn đề”. Bà đề nghị, cần thực hiện tốt chuỗi phân phối, tổ chức, nếu chưa muốn nói là chưa làm được. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, do ngắt quãng ở khâu phân phối khiến giá cả chênh lệch rất lớn.
Tuy nhiên, đối với những lo ngại chung về tình hình lạm phát, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, thị trường thực phẩm không đáng lo ngại, chu kỳ tăng sẽ không quá kéo dài nhưng dịch vụ y tế, giáo dục các nhà quản lý phải chú ý trong điều hành vì “nếu không cẩn trọng, đây mới là gánh nặng đối với người dân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.