Đưa ra giải pháp "cứu" Vinashin

Thứ năm, ngày 05/08/2010 02:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2010, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Bình luận 0
img
Từ nay, Vinashin sẽ tập trung vào nhiệm vụ đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ chiều qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân trực tiếp dẫn những khó khăn hiện nay của Tập đoàn này".

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, tình hình của Vinashin vẫn nằm trong khả năng kiểm soát. Tháng 6 vừa qua, Vinashin bắt đầu được tái cơ cấu với nhiều nội dung quan trọng như: Rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu; điều chuyển 12 đơn vị và 5 dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, TCT Hàng hải Việt Nam.

Từ năm 2009, Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6 -2010, tổng tài sản của Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng, nhưng tổng số nợ là 86.000 tỷ đồng, gần 17.000 công nhân bỏ, chuyển việc, gần 5.000 người mất việc.

Do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ USD. Riêng năm 2010, số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới 700 triệu USD.

Mặt khác, do công tác dự báo bất cập, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác, các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết nên nhiều dự án chỉ được phân bổ vốn chưa đến 50% tổng mức đầu tư, có dự án đầu tư 100% vốn vay... Do vậy, hầu hết các dự án đầu tư triển khai dở dang.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết các giải pháp để "cứu" Tập đoàn Vinashin: Trước mắt, Vinashin không đầu tư vào vận tải biển, không đầu tư vào ngành nghề nào khác, chỉ tập trung vào 13 dự án. Đồng thời, cơ cấu lại Vinashin cũ, các công ty con sẽ được bán đi, chuyển nhượng, cổ phẩn hóa... để trả nợ. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có một Vinashin mới ổn định.

Về xử lý sai phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: Cá nhân nào làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý nghiêm. Vinashin hiện nay sẽ tập trung đóng, sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu...

"Mục tiêu quan trọng nhất là tạo nên một Vinashin mới không còn đa ngành theo kiểu cũ" - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem